PHƯƠNG THỨC AN ỦI: ĐỂ ĐỐI PHƯƠNG GIẢI PHÓNG CẢM XÚC
Trong lòng muốn an ủi đối phương, lại không biết nên nói điều gì. Hoặc khi an ủi đối phương lại áp dụng phương pháp không phù hợp dẫn đến kết quả không tốt. Để không bị bối rối trước những tình huống như vậy, “phương thức giải phóng cảm xúc đối phương” là chìa khóa dành cho bạn.
Trong quá trình hòa hợp với người thân và đối tác, học cách an ủi lẫn nhau và giúp nhau giải quyết những cảm xúc tiêu cực cũng là một bài học rất quan trọng. Nếu bạn có thể xử lý tốt cảm xúc của đối phương, mối quan hệ sẽ tự nhiên thăng hoa.
Làm rõ mục đích của đối phương
Nếu bạn muốn an ủi đối phương một cách chính xác, trước tiên bạn phải hiểu mục đích của họ là gì. Khi đã bắt chính xác bệnh thì bạn mới có thể kê được đơn thuốc phù hợp nhất, như vậy mới đạt được kết quả gấp đôi chỉ với một nửa nỗ lực.
Trong những trường hợp bình thường, có hai lý do khiến đối phương thổ lộ rắc rối với bạn. Một là họ mong bạn có thể cho lời khuyên hoặc giúp đỡ để cùng nhau giải quyết khó khăn trước mắt. Hai là đơn giản rằng họ chỉ muốn tìm kiếm sự chú ý và quan tâm từ bạn.
Trừ khi bên kia thổ lộ và mong bạn đưa ra đề xuất hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ một cách rõ ràng. Còn hầu hết trong các trường hợp, có khả năng cao đó là lý do thứ hai.
Ví dụ, khi cô bạn của bạn phàn nàn về bạn trai của cô ấy, thì phương pháp tốt nhất là bạn chỉ cần lắng nghe cẩn thận và cố gắng không bày tỏ quan điểm của mình, đặc biệt là đừng thuyết phục cô ấy chia tay. Dường như trong trường hợp này, cô ấy chỉ muốn trút bầu tâm sự và nói về những điều không hài lòng với bạn trai chứ không muốn nghe bạn thuyết phục họ chia tay.
Trừ khi bạn có thể ngăn cản việc họ tiếp tục giao tiếp với nhau. Nếu không, khi họ hòa giải, bạn sẽ mang tiếng xấu và thậm chí sẽ trở thành người phá hủy mối quan hệ của họ.
Do đó, lúc này bạn chỉ cần cho đối phương biết rằng dù cô ấy có quyết định thế nào, bạn cũng sẽ ủng hộ và ở bên cạnh cô ấy. Nhớ nhé! Đừng dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình trong trường hợp này.
Học cách đồng cảm
Trên thực tế, hầu hết mọi người khi tìm kiếm sự an ủi từ người khác đều chỉ muốn ai đó lắng nghe, động viên và an ủi. Nhưng rất nhiều người khi an ủi người khác thường hay mắc phải một sai lầm. Chính là lý luận và nói đạo lý phải trái.
Xin hãy nhớ rằng, bước đầu tiên để an ủi người khác là sự đồng cảm chứ không phải lý luận.
Người yêu hoặc bạn bè có thể phàn nàn với bạn rằng có một người đồng nghiệp không hợp tác tốt trong công việc và luôn phạm sai lầm. Thật ra, điều họ muốn nhận lại từ bạn chính là bạn hãy cùng họ phàn nàn về người đồng nghiệp này, thay vì bạn nghiêm túc nói với họ về cách hòa hợp với người đồng nghiệp ấy ra sao.
Tuy nhiên trong trường hợp này bạn cũng nên tùy vào tình huống để chia sẻ với họ. Không thể chỉ nghe một phía rồi hùa vào phán xét người đồng nghiệp ấy. Cho nên mới nói, việc sử dụng năng lực EQ là rất quan trọng.
Cái gọi là đồng cảm chính là đặt mình vào quan điểm của bên kia, thay vì bạn chọn đứng ở vị trí của người ngoài cuộc, để phân tích vấn đề như một chuyên gia. Điều bạn cần làm là cho người khác cảm thấy rằng bạn đang ở trên cùng một thuyền với họ.
Nếu bạn thực sự không biết phải nói gì, bạn có thể nói thẳng với đối phương rằng mình không biết cách an ủi người khác, nhưng khi biết chuyện, bạn cũng cảm thấy rất đồng cảm với họ.
Hãy để người khác cảm thấy rằng bạn đã rất thấu hiểu trước hoàn cảnh mà họ gặp phải, chứ đừng nói đến việc tự mình trải qua điều đó. Lúc này, họ sẽ coi bạn như người thân thiết của mình, khoảng cách giữa hai người sẽ được rút ngắn đi rất nhiều.
Để lại sự quan tâm cho những người quan trọng
Nhưng khi bạn sử dụng phương pháp này để giao tiếp lúc người khác cần sự an ủi, thì theo thời gian, nó có thể trở thành một phương thức “xả rác cảm xúc” một chiều. Luôn luôn chỉ là người khác trút bầu tâm sự, trong khi những cảm xúc của bạn lại không được người khác quan tâm.
Do đó sự kiên nhẫn và cảm xúc của bạn không cần phải phục vụ cho tất cả mọi người. Hãy chỉ dành điều đó cho những người thực sự quan trọng đối với bạn.
Tất nhiên, nếu bạn có thể xem mỗi người bước đến trong cuộc đời bạn đều đáng trân trọng, và bạn có thể giữ cho cảm xúc của mình không bị chi phối bởi những điều người khác nói, thì trình độ cảm xúc của bạn đã đạt được sự thăng hoa. Làm được điều này không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi chính bạn trước hết có thể tự xem nhẹ được mất về cả tình cảm, vật chất của bản thân mình. Khi đó, ngay cả được mất của bản thân còn không khiến bạn động tâm, thì được mất của người càng không khiến bạn lo lắng. Bạn ngồi đó lắng nghe họ nói, chỉ đơn giản là bởi vì bạn trân trọng họ.
Theo trithucvn.org