ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: Long Khốt nồng nàn – Thơ Trần Thế Tuyển

Long Khốt nồng nàn

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Mà hương thơm cứ ngát dâng đầy

Dòng Long Khốt trăm năm chảy mãi

Đồng đội ơi, đang nằm đâu đây?

Đêm Hoa đăng như cây cầu kết nối

Người thiên thu và người hôm nay

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên, linh khí mãi tỏa bay.

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Trận địa xưa vẫn nồng ấm men say

Bến sông này phân đội nào mở cửa

Áo lính phơi nhuộm đỏ cánh Phượng bay.

Tôi trở về trận địa xưa Long Khốt

Đêm biên cương nghe trời đất chuyển xoay

Vẫn còn mãi một thời đánh chốt

Đồng đội tôi nằm lại nơi này.

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Mà dòng sông Long Khốt hương đầy

Lục bình ơi hãy trôi nhè nhẹ

Đồng đội tôi, giấc ngủ đang say!

(Thơ Trần Thế Tuyển)

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển: Người chiến sĩ trên mọi mặt trận.

LỜI BÌNH – NGUYỄN VĂN HÒA

Có lẽ, Trần Thế Tuyển may mắn hơn rất nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội của anh. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam nhiều đồng chí, đồng đội của anh đã ngã xuống ở khắp các chiến trường, họ đã vĩnh viễn ra đi, có người tuổi đời còn rất trẻ. Anh may mắn sống sót trở về và chứng kiến ngày đất nước hòa bình, giang sơn thu về một mối. Niềm vui vỡ òa nhưng đằng sau đó là những giọt nước mắt, là nỗi đau đến khôn cùng bởi những người đồng chí của anh họ không được cái may mắn ấy. Các anh đã không trở về, các anh đã nằm lại nơi chiến trường đạn lửa. Linh hồn đã hòa vào hồn thiêng sông núi, hòa vào cỏ cây, hoa lá, nắng, gió, mây trời…

Sau ngày đất hòa bình, có dịp trở lại Long Khốt, Trần Thế Tuyển không kìm nổi nỗi xúc động và Long Khốt nồng nàn được ra đời. Bài thơ có sự hòa trộn nhiều cung bậc cảm xúc: vui, buồn, yêu thương, nhung nhớ, hạnh phúc, đau thương và có cả sự tiếc nuối, xót xa, day dứt, nghẹn ngào…

Chiến tranh là đi kèm với chết chóc, đau thương. Nên dù có chiến thắng cũng “không ai trao vòng nguyệt quế”. Cũng chẳng ai muốn nhận vòng nguyệt quế trong trường hợp này. Vì độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vì truyền thống yêu nước của dân tộc mà lớp lớp bao thế hệ người Việt sẵn sàng lên đường chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh điều đó. 

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Mà hương thơm cứ ngát dâng đầy

Dòng Long Khốt trăm năm chảy mãi

Đồng đội ơi, đang nằm đâu đây?

Vâng, những đồng chí, đồng đội của anh đã nằm lại nơi này. Giờ đây, họ đã hòa vào đất trời, sông nước. Họ chính là những người đã chiến thắng, họ ngã xuống để chúng ta có được hòa bình như hôm nay. Vẫn còn đó, chứng nhân lịch sử là dòng Long Khốt, từ ấy đến giờ vẫn cứ mải miết chảy và sẽ chảy đến trăm năm, ngàn năm sau và chảy mãi đến muôn đời…

Nhà thơ Trần Thế Tuyển – người cựu binh năm nào thảng thốt hỏi: Đồng đội ơi, đang nằm đâu đây?

Vẫn một niềm tiếc thương, đau đáu, nhà thơ Trần Thế Tuyển nghiêng mình trân trọng, chia sẻ nỗi lòng của mình trước linh hồn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Long Khốt này.

Đêm Hoa đăng như cây cầu kết nối

Người thiên thu và người hôm nay

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên, linh khí mãi tỏa bay

Nhà thơ đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật tu từ để kết nối, liên thông giữa tiềm thức với vô thức, giữa thiên thu và hôm nay… Quá khứ, hiện tại cứ chập chùng ẩn hiện, ảo diệu, ấm áp mà linh thiêng và tha thiết đến vô cùng. Đồng đội của anh đã góp công sức lớn cho việc gìn giữ đất đai, bờ cõi của Tổ quốc… Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên, linh khí mãi tỏa bay.

Trở lại Long Khốt là anh trở lại chốn thân thương, một thời gian khó, hiểm nguy mà rất đỗi hào hùng. Như thước phim quay chậm, quá khứ lại hiện về một cách cụ thể, sinh động. Điều này lại làm cho người còn sống như anh cảm thấy thương nhớ nhiều hơn và phải có trách nhiệm nhiều hơn.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được kết tinh và biểu hiện rực rỡ trong cuộc chiến đấu anh dũng với những hy sinh cao cả của đồng đội mình. Những giá trị tinh thần tốt đẹp của thời đại được tập trung thể hiện rõ nét: 

Trận địa xưa vẫn nồng ấm men say

Bến sông này phân đội nào mở cửa

Áo lính phơi nhuộm đỏ cánh Phượng bay.

Tôi trở về trận địa xưa Long Khốt

Đêm biên cương nghe trời đất chuyển xoay

Vẫn còn mãi một thời đánh chốt

Sự hy sinh, mất mát ở đây không hề có chút bi lụy, yếu mềm mà được tái dựng bằng một khung cảnh bi hùng. Sự hy sinh, mất mát, đau thương ấy đã góp phần tô thắm ngọn cờ đấu tranh vì độc lập, tự do, vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc. 

Không gian xuất hiện trong bài thơ là ở Long Khốt gắn liền với các trận đánh, đó là không gian của hiện thực lịch sử, không gian của cuộc kháng chiến. Thế nhưng, giờ đây không gian ấy dường như có sự trộn lẫn giữa không gian hiện thực và không gian trong tâm tưởng nơi cất giấu bao ký ức thẳm sâu, bí ẩn của thế giới tinh thần…

Lục bình ơi hãy trôi nhè nhẹ

Đồng đội tôi, giấc ngủ đang say!

Trần Thế Tuyển trở lại chiến trường xưa, và nhất là vào thời khắc “đêm” gợi lên trong anh biết bao nỗi niềm. Đêm mở ra  nhiều chiều kích: quá khứ, hiện tại, tương lai đan cài, xâu chuỗi với nhau tạo nên tiếng thơ da diết và có điều gì đó rưng rưng, nấc nghẹn.

Tôi trở về trận địa xưa Long Khốt

Đêm biên cương nghe trời đất chuyển xoay

Vẫn còn mãi một thời đánh chốt

Đồng đội tôi nằm lại nơi này.

Những người đồng đội của anh đã chiến đấu dũng cảm, không tiếc tuổi xuân, hy sinh lợi ích cá nhân để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với đất nước, với dân tộc. Và rồi… phải nằm lại nơi này. 

Điệp khúc “Không ai khoác lên vòng nguyệt quế” được nhắc đến 3 lần như là lời cảm tạ sâu sắc đến vong linh, hương hồn những đồng chí, đồng đội của mình. Đồng thời đó cũng là nỗi day dứt của người còn sống hôm nay, của Tổ quốc, của nhân dân đối với công lao, máu xương mà các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại địa danh này. Những đồng đội, đồng chí của anh nằm lại tại Long Khốt mãi mãi là người chiến thắng, bất tử trong lòng nhân dân, Tổ quốc ghi công các anh đến muôn đời.

Cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc đã sản sinh ra những con người vĩ đại. Họ đã chiến đấu hết mình, sẵn sàng xả thân vì dân tộc mà không chút đắn đo. Những chiến sĩ, liệt sĩ này đã đi trọn một đời vì Tổ quốc. Các anh đã cống hiến, các anh đã hy sinh vì bình yên và sự đẹp giàu của đất nước hôm nay là các anh là người chiến thắng. Công lao này mãi mãi được nhà nước và nhân dân tôn vinh, ghi nhận và biết ơn sâu sắc.

Điều đặc biệt trong Long Khốt nồng nàn, Trần Thế Tuyển không trực tiếp để nói đến mất mát, hy sinh nhưng qua từng lời thơ người đọc sẽ nhận ra điều đó. Những con chữ bình thường nhưng chất chứa những tâm tư, tình cảm sâu nặng, tha thiết, nồng nàn của nhà thơ.

Long Khốt nồng nàn, Trần Thế Tuyển dành những tình cảm trân trọng, biết ơn sâu sắc đến những chiến sĩ, bạn bè, đồng đội, các thế hệ cha anh đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương trong chiến tranh để có cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.

Trần Thế Tuyển đã bất tử hóa, vĩnh hằng hóa linh hồn những người đồng đội của mình. Đồng đội tôi nằm lại nơi này/ Đồng đội tôi, giấc ngủ đang say!

Những anh hùng liệt sĩ đã yên nghỉ và vĩnh viễn nằm lại tại Long Khốt thân yêu! Linh hồn các anh bất tử với thời gian, bất tử với đất nước, với dân tộc, với Tổ quốc này! Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên, linh khí mãi tỏa bay.

Trần Thế Tuyển sinh ra và lớn lên trong khói lửa của chiến tranh nên anh ý thức sâu sắc trách nhiệm công dân của mình. Vì thế, trong thơ anh luôn hướng về những giá trị truyền thống quý báu của cha ông, hướng về quê hương, nguồn cội, người thân, mẹ, cha, đồng chí, đồng đội… với tấm lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc. Nhất là những bài thơ viết về những hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội có sức lay động sâu xa trong lòng bạn đọc. Long Khốt nồng nàn là một trong số những bài thơ cảm động như thế.

Nguyễn Văn Hòa

Email: nguyenvanhoa.phuyen@gmail.com

Điện thoại: 0984833247