Vị tiến sĩ nặng lòng với Kiều
Nghe danh về Hội Kiều học Việt Nam từ cách đây một năm nhưng bây giờ tôi mới có cơ hội gặp TS Phan Tử Phùng, người đã lên ý tưởng và vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam. Từng là một TS chuyên ngành luyện kim, việc TS Phan Tử Phùng lặn lội thân chinh đi khắp các cơ quan ban ngành để xin thành lập một hội riêng nghiên cứu và truyền bá rộng rãi Truyện Kiều không khỏi khiến nhiều người thấy lạ. Có người gọi ông là kẻ đi “vác tù và hàng tổng”, kẻ độc miệng thì bảo ông tiến sĩ già chắc không còn việc gì làm nên “vẽ” việc mà chơi. Ít ai biết được, những việc mà TS Phan Tử Phùng đã và đang làm có ý nghĩa lớn đến sự gìn giữ và bảo tồn một kiệt tác văn hóa của Việt Nam. Trong thời kỳ xã hội đang phát triển mạnh mẽ, nhiều nền văn hóa trên thế giới ào ạt du nhập vào Việt Nam đã khiến một bộ phận giới trẻ quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống. Công việc mà TS Phan Tử Phùng đang làm đối với nhiều người có thể không lớn lao nhưng nó mang trong mình những giá trị nhân văn nhất định.
Tiến sĩ luyện kim nhưng mê Kiều
Sinh năm 1952 ở Hà Tĩnh, TS Phan Tử Phùng từng là lưu học sinh ở Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Học viện Gang thép Bắc Kinh, từng có thời gian công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Làm khoa học nhưng Tiến sĩ Phùng lại rất mê đọc và tìm hiểu Truyện Kiều.
Ông cho biết: Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được đọc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Cũng giống như những người dân Việt Nam khác, tôi mê Kiều lắm, nhưng phải đợi đến khi về hưu, có thời gian thảnh thơi tôi mới tìm hiểu và nghiên cứu được nhiều về Truyện Kiều, cũng như hiểu thêm về cụ Nguyễn Du.
Nói đến những nghiên cứu của mình, ông cho tôi xem hai quyển sách mà ông đã cho xuất bản đó là: Truyện Kiều: Nôm-Quốc ngữ đối chiếu và Kiều học-Khoa học nghiên cứu Truyện Kiều. Theo TS Phan Tử Phùng, Truyện Kiều là một trong những kiệt tác văn học của dân tộc Việt Nam. Trong Truyện Kiều có nhiều câu triết lý nhân văn sâu sắc mà cho đến nay người dân Việt Nam vẫn sử dụng trong chính giao tiếp hàng ngày.
Ông cho rằng, nghiên cứu Truyện Kiều là nghiên cứu vẻ đẹp tiếng Việt qua ngôn ngữ Truyện Kiều-một thứ ngôn ngữ văn học thuần Việt có sự hòa quyện tuyệt vời giữa ngôn ngữ dân gian với ngôn ngữ bác học. Nghiên cứu Truyện Kiều để hiểu thêm tiếng Việt-thứ tiếng nói luôn ẩn giấu trong nó tâm hồn, khí phách của cha ông, tổ tiên người Việt đã hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Ngôi nhà nhỏ của ông Phùng là nơi lưu giữ rất nhiều những tài liệu liên quan đến Truyện Kiều và thi hào Nguyễn Du. Ông bảo, càng đọc Truyện Kiều, càng thấy rằng Truyện Kiều còn nhiều cái hay, cái đẹp mà chúng ta-những thệ hệ đi sau chưa khám phá ra hết được.

Mê Kiều là vậy, nhưng trong lòng TS Phan Tử Phùng vẫn canh cánh một nỗi lo âu. Đó là, một bộ phận giới trẻ hiện nay không còn yêu, ham thích Truyện Kiều nói riêng và những tác phẩm văn học có giá trị của dân tộc nói chung.
“Ngày xưa, ở thế hệ chúng tôi, hầu như ai cũng biết đôi câu Kiều. Người ta nói chuyện với nhau bằng Kiều, các cụ thì lẩy Kiều, ngâm Kiều… Bây giờ, trong chương trình sách giáo khoa của các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông ở Việt Nam vẫn đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du vào giảng dạy nhưng dường như các em học sinh không còn “mặn mà” với Truyện Kiều như trước nữa”, TS Phan Tử Phùng chia sẻ.
Đã bước vào cái tuổi 70, lẽ ra phải bỏ hết mọi gánh nặng, lo lắng của cuộc sống để vui vầy tuổi già, TS Phan Tử Phùng lại âm thầm lên ý tưởng và đi vận động mọi người để thành lập Hội Kiều học Việt Nam với mong muốn lưu giữ bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn cũng như những giá trị nghệ thuật trong Truyện Kiều.
Gian nan thử lòng
Nói thành lập một hội ở Việt Nam tưởng là dễ nhưng lại không hề đơn giản. TS Phan Tử Phùng đã phải mất trọn 3 năm để kêu gọi, vận động các thành viên cũng như xin ý kiến từ các bộ, ngành liên quan để thành lập Hội Kiều học Việt Nam.
Nghĩ lại khoảng thời gian 3 năm dài đằng đẵng ấy, ông Phùng vẫn cười nói: Tôi chẳng ngại khó, chẳng ngại khổ, chỉ sợ không vận động được mọi người cùng chung tay, góp sức thành lập hội. Còn việc tôi phải đi xa một chút, phải mất công vận động mọi người một chút thì đâu có khó khăn gì để mà kể chứ.
Theo ông Phùng, mặc dù bây giờ, người ta không còn ngâm Kiều, lẩy Kiều nhiều như trước đây nữa nhưng vẫn còn rất nhiều người yêu mến Truyện Kiều và muốn gìn giữ nó. Chính điều đó đã cho ông thêm sức mạnh và niềm tin vào việc thành lập thành công Hội Kiều học Việt Nam.
Suốt 3 năm, ông Phùng đã gửi văn bản đến rất nhiều các cơ quan bộ, ngành có liên quan để xin thành lập hội. Đó là: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Hán Nôm, Hội Nhà văn Việt Nam…
Nhìn ông thống kê những cơ quan bộ, ngành mà ông đã gửi văn bản để xin thành lập hội tôi không khỏi ái ngại. Mất công như thế, phải làm nhiều thủ tục như thế mà ông vẫn kiên trì làm. Nói là không có gì để kể, những rõ ràng, khoảng thời gian vận động, chuẩn bị tổ chức để thành lập Hội Kiều học Việt Nam, TS Phan Tử Phùng đã không chỉ bỏ công sức mà còn bỏ cả tâm sức để hoàn thành ý tưởng thành lập một hội nghiên cứu chuyên sâu về Truyện Kiều.

Cuối cùng thì mong muốn của TS Phan Tử Phùng cũng đã thành công khi tháng 11-2011, Hội Kiều học Việt Nam chính thức được thành lập với số lượng thành viên ban đầu đã lên đến con số hàng trăm trong đó có những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Truyện Kiều như: GS Nguyễn Đình Chú, GS Nguyễn Duy Quý, GS Vũ Ngọc Khánh, GS Trần Đình Sử, PGS-TS Trần Nho Thìn, PGS-TS Đỗ Lai Thúy, PGS-TS Trương Đăng Dung…
Hội Kiều học Việt Nam được thành lập đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc nghiên cứu Truyện Kiều. Từ chỗ chỉ là hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân theo sở thích riêng thì nay đã hình thành một hội khoa học quy mô toàn quốc, được Nhà nước công nhận, có quan hệ rộng rãi trong và ngoài nước theo tầm của một hội khoa học chuyên ngành, đó là ngành Kiều học, bộ môn khoa học lấy tên Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu trên mọi lĩnh vực, từ văn học nghệ thuật đến văn hóa xã hội.
Là người lên ý tưởng, vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam nên sự phát triển của Hội Kiều học luôn được TS Phùng quan tâm. Ông chia sẻ: “Hội đã được thành lập rồi nhưng làm thế nào để hoạt động một cách có hiệu quả, đem lại chất lượng tốt lại là một bài toán nan giải. Thành lập hội đã khó, giữ hội và phát triển hội còn khó hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tôi tin rằng, một kiệt tác như Truyện Kiều thì sẽ luôn luôn đem đến những giá trị cho những nhà nghiên cứu tìm hiểu, đồng thời sẽ luôn có một đối tượng độc giả yêu Kiều và say mê Kiều giống tôi”.
Luôn tìm cách khẳng định giá trị Việt Nam
Cứ nghĩ rằng sau khi thành lập Hội Kiều học Việt Nam, TS Phan Tử Phùng sẽ có thời gian thảnh thơi dành cho công việc yêu thích của ông hiện giờ là nghiên cứu Truyện Kiều. Thế nhưng Hội Kiều học Việt Nam thành lập chưa được bao lâu, ông lại tất bật với việc kêu gọi, thành lập ban vận động gửi văn bản trình lên UNESCO công nhận thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
Ông cho biết: Nhiều người dân Việt Nam vẫn nghĩ rằng thi hào Nguyễn Du đã được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới nhưng thực tế lại không phải vậy. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du là nhà văn hóa lớn của Việt Nam song cho đến nay chưa có văn bản nào của UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Thế nên, chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục để trình lên UNESCO Việt Nam để vinh danh cụ Nguyễn Du.
TS Phan Tử Phùng tỏ ra khá lo lắng vì thời gian gửi văn bản lên Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam là còn rất ít, phải hoàn thành trước năm 2012 để kịp thời vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới vào dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh của Nguyễn Du (1765-2015) nhưng ông vẫn lạc quan và tin rằng, UNESCO sẽ sớm vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Theo ông Phùng, vinh danh Nguyễn Du chính là vinh danh những tinh hoa của văn học Việt và của văn hóa Việt Nam.
Lên ý tưởng thành lập Hội Kiều học Việt Nam, không quản ngại khó khăn đi vận động mọi người tham gia hội, tất bật chuẩn bị hồ sơ để trình lên UNESCO, việc gì ông Phùng cũng làm một cách nhiệt tình và trách nhiệm. Ông chia sẻ: Kho tàng văn học và văn hóa Việt Nam có giá trị vô cùng lớn trong đó có kiệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Mặc dù tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được đưa vào “Từ điển những tác phẩm của mọi thời đại và mọi xứ sở” xuất bản ở Paris năm 1953 nhưng nếu không biết cách giữ gìn, khẳng định giá trị tác phẩm thì theo thời gian Truyện Kiều cũng sẽ dần bị quên lãng. Tôi chỉ muốn góp một chút công sức nhỏ của mình vào việc khẳng định những giá trị văn hóa của Việt Nam.
Rời nhà TS Phan Tử Phùng khi trời đã xế chiều, tôi vẫn nghĩ về câu khi chia tay ông nói: Những gì mình làm chỉ mong muốn đem lại lợi ích cho đất nước mà thôi.
Tôi lại nhớ đến câu hát trong bài hát “Khát vọng tuổi trẻ”: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Có lẽ với TS Phan Tử Phùng, tuổi xuân tuy đã đi qua nhưng nhiệt huyết sống và cống hiến thì vẫn còn mãi.
Bài, ảnh: THU THỦY (2012)