TÌNH CẢM & LÍ TRÍ

Theo bạn, tình cảm và lí trí, cái nào nặng hơn?
Một số người trả lời ngay: Lí trí thắng tình cảm chứ!
Bình tĩnh nha, chưa chắc đâu!
Ta hãy phân tích một chút xem.
Từ 1-10 tuổi thì chắc chắn đứa trẻ chủ yếu là tình cảm rồi vì khi đó nó chưa hiểu biết bao nhiêu cả.
Từ 10-20 tuổi là tuổi đi học, kiến thức tăng dần nên lý trí tăng lên nhưng tình cảm vẫn nặng hơn.
Từ 20-60 tuổi, lý trí đạt đỉnh cao nên giai đoạn này cả hai thứ song hành.
Từ 60 trở đi con người lại nặng tình cảm hơn lý trí.
Trong giai đoạn lý trí đạt đỉnh cao (20-60) không phải lúc nào lý trí cũng thắng tình cảm.
Ta thường nghe từ “Tâm Trí”. Như vậy có thể thấy tâm rồi mới đến trí. Nói mộc mạc là nghĩ bằng bụng (tâm) trước khi nghĩ bằng đầu (trí). Sách thường viết: “nghĩ bụng”. Lại có câu rõ hơn: “Hẹp tâm, hẹp trí”. Thực tế nhiều lúc chúng ta nghĩ bằng bụng chứ không phải bằng đầu. Các câu: “Ưa dưa thơm, không ưa dưa thối”, “Thương nhau cau sáu bổ ba/Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”… thể hiện tình cảm lấn át lí trí.
Điển hình là trường hợp “trái tim đội trên đầu” như công chúa Mỵ Châu.
Đa phần phụ nữ để tình cảm lấn át lí trí trong ứng xử hàng ngày. Các hành vi tranh giành người yêu, giật chồng, ngoại tình, đánh ghen, cùng cơ quan ghen tỵ nói xấu và hãm hại nhau, thất tình mà tự tử, mẹ chồng hành con dâu, mẹ ghẻ hành con chồng… đều là tình cảm thắng lý trí. Đàn ông cũng không ít khi để tình cảm đè lí trí: Nóng giận, đánh lộn, trộm cắp, vì tình mà giết người yêu hoặc tình địch…. Đôi lúc bức xúc quá độ quẫn trí làm bậy, thậm chí giết người!
Trong cuộc sống nhiều lúc ta cũng để tình cảm lấn át lí trí. Ví dụ: thiên vị, định kiến. Cùng một lỗi ghét thì xử nặng, thương ít thì xử nhẹ, thương nhiều thì tha bổng. Cùng một thành tích thương thì khen thưởng cao, ghét thì khen thưởng thấp, thậm chí không khen… Lỗi này thường gặp ở bề trên (sếp, cha mẹ…) ứng xử với kẻ dưới.
Có thể kể ra 1001 trường hợp tình cảm thắng lí trí!
Từ đó ta thấy rằng để lí trí thắng tình cảm thật khó thay! Chúng ta phải thường xuyên cảnh giác với chính mình để đạt được sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Lúc “tâm an” thì “trí sáng”.

TS. Nguyễn Tiến Lợi