THƯƠNG TIẾC ĐỒNG NGHIỆP BANDHIT RAJAVATADHANIN!
13 giờ 23/11/2023, từ Hà Nội, nhà báo Trần Hữu Minh điện thoại báo tin, nhà báo Bandhit Rajavatadhanin đã qua đời lúc 11 giờ trưa. Ông bạo bệnh hơn một năm nay và chúng tôi vẫn theo dõi diễn biến sức khỏe của ông, nhưng khi nghe tin ông qua đời, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông vẫn bị sốc, bất ngờ – bàng hoàng. Vô cùng thương tiếc một nhà báo – đồng nghiệp thân thiết, chí cốt của báo chí Việt Nam, người kết nối thành công – luôn vun đắp nghĩa tình báo chí Việt Nam – Thái Lan …
Dường như ông sinh ra trên cuộc đời này là để gắn bó trọn vẹn với nghề báo, với công việc của Liên đoàn báo chí Thái Lan – kết nối bè bạn trong nước, ngoài nước. Đó là nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí ASEAN, Chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí Thái Lan, nguyên Tổng Biên tập Báo Bangkok Post – cây bút kỳ cựu, uy tín suốt 35 năm của một trong những tờ nhật báo hàng đầu của đất nước Chùa Vàng. 35 tuổi, Bandhit Rajavatanadhanin đã là Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo kinh tế – công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, chứng khoán của thành phố Bangkok.
Bandhit Rajavatanadhanin xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Famplan, tỉnh Nakhon Pathom, cách thủ đô Bangkok 150 km. Tôi đã 2 lần cùng ông và đồng nghiệp Việt Nam về thăm khu vườn rợp bóng dừa xanh và ngôi nhà nơi tuổi thơ của ông đầy ắp kỷ niệm. Cha mất sớm, mình mẹ tần tảo nuôi đàn con nhỏ, thương mẹ, cậu bé Bandhit có ý chí tự lập rất sớm. Năm 19 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự dành cho mọi thanh niên Thái Lan, chàng thanh niên “gốc nhà nông” Bandhit tự mình lên Bangkok phồn hoa, đô hội, nhiều cạm bẫy để lập nghiệp.
Ông nhớ lại: “Việc đầu tiên là học-học-và học; thiếu tiền thì vừa làm vừa học”. Trường Đại học Luật Bangkok là nơi ông thử sức đầu tiên. Tốt nghiệp trường Luật, duyên nghiệp đưa ông đến với nghề báo hết sức ngẫu nhiên. Đang thất nghiệp, đọc báo biết Bangkok Post thi tuyển phóng viên, ông nộp đơn và trúng tuyển ngay vòng đầu. Và ngày 7-11-1963 trở thành “cột mốc” cuộc đời – ngày Bandhit trở thành phóng viên nhật báo Bangkok Post. 3 tháng tập sự theo quy định, ông là người duy nhất được chủ báo tuyển dụng và được tăng lương gấp rưỡi. Ông nhanh chóng trở thành cây bút chủ lực của Bangkok Post chuyên viết về kinh tế, tài chính, chứng khoán, thương mại, công nghiệp, được bầu làm chủ nhiệm Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà báo viết về kinh tế thành phố Bangkok; được chủ báo chọn làm Trưởng Ban biên tập Kinh tế Bangkok Post, rồi lần lượt làm Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập của tờ nhật báo nổi tiếng này.
Còn nhớ, năm 2009, tại Bangkok, đúng dịp Câu lạc bộ các nhà báo viết về kinh tế toàn Bangkok kỷ niệm 40 năm thành lập, tổ chức đại hội bầu ban lãnh đạo mới, tôi cùng đoàn nhà báo Việt Nam đang ở thăm Thái Lan được Chủ tịch Câu lạc bộ mời tới dự. Thủ tướng Thái Lan lúc đó, ông Abhisit cùng nhiều bộ trưởng, chủ tịch các tập đoàn kinh tế Thái Lan đến dự. Khi ông Bandhit bước vào, cả hội trường đứng dậy vỗ tay tôn vinh vị chủ tịch danh dự của câu lạc bộ. Thông minh, trách nhiệm, yêu nghề, am tường kiến thức luật và kinh tế, thông thạo tiếng Anh – bằng con đường tự học, Bandhit nhanh chóng làm chủ công việc, điều hành hoạt động báo chí chuyên nghiệp, thiết lập được các mối quan hệ xã hội rộng lớn, có ảnh hưởng và uy tín trong giới truyền thông, giới chức chính quyền.
Không quá lời khi đồng nghiệp coi nhà báo Bandhit là biểu tượng của tình hữu nghị báo chí – truyền thông hai nước; người góp phần đặt nền móng cho sự hợp tác báo chí – truyền thông Việt Nam – Thái Lan. Nhà báo Bandhit từng nói: “Với tôi, Việt Nam có cái gì đó rất lạ, rất đặc biệt. Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Tôi có nhiều người bạn thân ở Việt Nam; tôi nhớ tới họ hằng ngày”. Từ năm 1998, sau khi đã nghỉ hưu, thôi các chức vụ quản lý trong giới truyền thông, hằng năm ông vẫn chủ động tổ chức kết nối bè bạn, đồng nghiệp Việt Nam đến thăm, giao lưu với đồng nghiệp xứ sở Chùa Vàng thân thiện.
Tôi và nhà báo Hữu Minh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Bangkok hơn nửa thế kỷ trước, thường có dịp gặp gỡ trò chuyện với ông Bandhit. Tôi và nhà báo Hồng Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Tp. HCM đến Bangkok, thay vì nghỉ ở khách sạn, chúng tôi ở nhà ông theo lời mời thân tình của ông. Chúng tôi hàn huyên bao nhiêu chuyện về đời, về nghề. Mỗi lần gặp, ông chân tình hỏi thăm sức khỏe những đồng nghiệp quen biết. Ông nhắc tới các nhà báo Phan Quang, cố nhà báo Trần Công Mân – 2 cựu lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam mà ông quý mến trân trọng; giữa họ có những kỷ niệm “khởi đầu” ân tình. Nhà báo, tướng Trần Công Mân lâm bệnh nặng, ngày ấy khi hướng dẫn đoàn nhà báo Việt Nam thăm chùa tại Thái Lan, ông điện thoại về nhà riêng tướng Mân để được gõ chuông cầu nguyện, mong cho tướng Mân mau hồi phục sức khỏe. Nhiều năm đã trôi qua, ông vẫn nhắc đến nhà báo Trần Mai Hạnh với sự sẻ chia, đồng cảm khi gặp “rủi ro” nghề nghiệp. Trong tủ rượu của ông vẫn còn 2 chai rượu của cố nhà báo Trần Công Mân và nhà báo Trần Mai Hạnh gửi tặng mấy chục năm trước. Ngày ấy, có dịp tiếp đoàn nhà báo Việt Nam tại nhà riêng, ông cùng đồng nghiệp nhâm nhi tí chút gọi là để nhớ tình xưa, nghĩa cũ. Mỗi lần chứng kiến chuyện đó, tôi chợt nghĩ, ở Việt Nam với những người bạn thân, mấy ai đã thủy chung, ân tình được như ông.
Ông vẫn thường nhắc tới các nhà báo Nguyễn Kim Toàn (Hải Phòng), cố nhà báo Nguyễn Viết Khai (Quảng Ninh), Xuân Lương, Phương Hồng (Đà Nẵng), Hồng Phương, cố nhà báo Đinh Phong, nữ nhà bào Hằng Nga (TP. Hồ Chí Minh), cố nhà báo Trần Quang Huy (Vũng Tàu) v.v… với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Từ sự tình cờ, ông là người đã kết nối hỗ trợ cho con gái cố nhà báo Nguyễn Viết Khai được đào tạo hoàn hảo và trưởng thành – theo chế độ học bổng tại một trường đại học ở Bangkok.
Gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp Việt Nam, ông hãnh diện nhắc tới 2 cuộc phỏng vấn lịch sử liên quan đến Việt Nam trong cuộc đời làm báo của mình. Năm 1978, 3 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam thống nhất, lần đầu tiên một đoàn gồm 40 doanh nhân, các nhà hoạt động thương mại Thái Lan đến Hà Nội. Bandhit Rajavatanadhanin là nhà báo Thái Lan duy nhất được mời tham gia đoàn và cũng là nhà báo đầu tiên được vinh hạnh gặp gỡ và phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Phủ Thủ tướng – Hà Nội về con người và đất nước Việt Nam đại thắng. Ông nhận xét: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một chính khách lỗi lạc, nhưng Ngài Thủ tướng lại thân thiết, bình dị, sâu sắc đến lạ lùng”. Sau cuộc gặp và phỏng vấn này, trái tim của người đồng nghiệp Thái Lan Bandhit Rajavatanadhanin đã gần như đồng điệu với những người bạn Việt Nam.
Năm 1993, khi ông là Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN, đồng thời là Trưởng Đoàn nhà báo các nước ASEAN đến thăm Việt Nam, Đoàn vinh dự được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười tiếp thân mật. Ông kể lại, lần đó, khi vừa gặp các thành viên đoàn nhà báo ASEAN, Tổng Bí thư Đỗ Mười thân mật hỏi: “Nhà báo Phan Quang (lúc đó là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) và các bạn nhà báo Việt Nam lo chỗ ăn nghỉ, các địa danh nơi đến thăm và làm việc cho các bạn có chu đáo không?”. Trưởng đoàn Bandhit trả lời: “Các bạn Việt Nam chăm lo cho chúng tôi rất chu đáo, rất tốt”. Ông nói: “Ngài Tổng bí thư – nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thật tình cảm, gần gũi, cởi mở, bình dị”. Tấm ảnh ông chụp với Tổng Bí thư Đỗ Mười, do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam gửi tặng được treo trang trọng tại phòng khách số 63/2 Petkasem Rd. Bangkhae, Bangkok 10160. Ông coi đó là một đặc ân, một kỷ niệm nghề nghiệp mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm.
Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo – chính khách Bandhit Rajavatanadhanin đã hơn 20 lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam; ông rong ruổi từ Bắc chí Nam, từ vùng địa đầu phía Bắc, Đông Bắc Lạng Sơn, Quảng Ninh đến các tỉnh miền Trung, tới vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Trong sổ nhật ký đường trường, ông ghi tên và địa chỉ của khoảng 200 những người bạn thân thiết trong báo giới Việt Nam. Ông mê say ẩm thực Việt, thông tỏ ngõ ngàng nhiều vùng quê Việt, thưởng thức nhiều món ăn Việt, mà không phải người Việt nào cũng có dịp nếm trải. Tôi có dịp cùng đi với ông nhiều lần, ít khi thấy ông hát, thế mà rất bất ngờ, tại một nhà hàng ẩm thực bên sông Hàn – Đà Nẵng, ông lĩnh xướng và đoàn nhà báo Thái Lan cùng hát đắm say “Chúng ta là tất cả thế giới này, không có biên giới trong tình bạn, ở đây chúng ta cùng là anh em, tình bạn bao la như biển cả, trời cao. Chúng ta cùng đoàn kết bên nhau cho tình yêu, cho hạnh phúc bên nhau, cho nhân loại …”. Ông đã hát bằng tất cả tình cảm chân thành, làm cho bữa tiệc bên sông Hàn ấn tượng, trở thành kỷ niệm đẹp, ký ức nghề nghiệp không bao giờ phai.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm, một đồng nghiệp Việt Nam đến Bangkok ngỏ ý muốn được ông dẫn đến thâm nhập các tụ điểm ăn chơi – du lịch tình dục. Ông im lặng không nói gì. Cuối buổi làm việc, ông nói nhỏ với tôi: “Đề nghị của đồng nghiệp X là không nên và không thể. Không nên tới đó làm gì. Còn tác nghiệp báo chí, việc đó người ta đã nói nhiều, chẳng có gì mới mẻ nữa”. Ý kiến của ông xác đáng. Đấy cũng chính là bản lĩnh, phẩm chất của nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin.
Nhiều năm qua, tôi đã chiêm nghiệm ở ông nhiều điều từ cuộc sống thường ngày mà đôi khi vòng xoáy công việc làm người ta ít có thời gian dành cho nó. Vợ ông, chị Can-cha-na kể lại: “Ông ấy rất yêu Mẹ, anh chị em trong gia đình, rất gần gũi thân thiện với bè bạn, bà con lối xóm. Ông làm việc không kể ngày giờ, không mệt mỏi, không bao giờ nghỉ ngơi. Sáng nào ông và dăm bảy người bạn già cũng gọi nhau thể dục, dạo bộ. Một tiếng sau cả nhóm bạn lại tụ tập về nhà ông ăn sáng, trà đạo, café – do chính ông nấu, ông pha chế. Tiếp đãi bạn bè, không bao giờ ông làm phiền vợ con”. Ba cô con gái Phăn-đa-rắt, Phăn-thi-pha, Pha-ra-năn luôn coi ông là thần tượng về sự phấn đấu, tự học hỏi và vươn lên. Pha-ra-năn, cô con gái út xinh đẹp, tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh tại Australia tâm sự: “Ý chí và nghị lực của cha là tấm gương để tôi vượt qua khó khăn và cả sự lười biếng để có ngày hôm nay”.
Với ông “Quê hương là cái nôi nguồn cội tạo nên sự nghiệp”, “Mẹ là tất cả cuộc đời này”, nhớ lại chuyến xe đò đem tháng lương thử việc đầu tiên về quê tặng mẹ, ông tâm sự với các đồng nghiệp Việt Nam, để giáo dục con cái tốt, cha mẹ phải nêu gương, thương yêu con cái, nhưng không bao giờ nuông chiều. Để thật sự trưởng thành con cái phải tự lập để vươn lên, không được dựa dẫm, ỷ thế cha mẹ. Hãy làm cho con cái biết yêu quý đồng tiền do mình lao động, chắt chiu, dành dụm mà có. Cả cuộc đời ông đam mê nghề báo là vậy – luôn luôn là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tự lập, tự khẳng định mình. Ông tâm sự “Khi con cái đã tự lo được cuộc sống, ngày lễ tết, sinh nhật, đi du lịch, con cái tặng tiền, cha mẹ hãy đón nhận, sẽ có lúc cần – cần cho mình và có khi cần cho chính con cái”.
Triết lý, kinh nghiệm dạy dỗ con cái của nhà báo Bandhit nghiệm ra thật chí lý. Nhờ vậy, con cái của ông đều thành đạt, trưởng thành, chăm ngoan, tính tự lập cao. Cậu con trai lớn giống ông như tạc không chỉ về hình thức mà còn cả cá tính tự lập, chịu thương chịu khó. Đấy cũng chính là hạnh phúc, niềm vui mà cuộc đời nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin có được – song hành với một sự nghiệp thành đạt, luôn được bạn bè đồng nghiệp quý mến, trân trọng.
Đồng nghiệp Bandhit Rajavatanadhanin sinh ngày 4-6-1938. Theo cách tính của người Việt Nam, ông cầm tinh con Hổ – chúa sơn lâm. Ông ra đi về với thế giới người hiền ngày 23/11/2023, hưởng thọ 85 tuổi. Đường xa ngàn dặm, tôi viết bài này về một đồng nghiệp Thái Lan chí cốt, cây đại thụ của báo chí xứ Chùa Vàng, như một nén tâm nhang vĩnh biệt ông – nhà báo lão thành Bandhit Rajavatanadhanin.
Nhà báo PHẠM QUỐC TOÀN/ĐS GDNN