TÂM BÚT CỦA MỘT NGƯỜI VIẾT KỊCH – Đọc tập kịch TRỜI VẪN SẢNG của tác giả Lê Văn

BÙI THỦY

Thật lạ lùng cho sự đam mê của Nhà viết kịch Lê văn. Trong thời buổi kinh tế thị trường nhộn nhịp cấp tập hiện nay, nhiều người đam mê công danh, quyền lực, hoặc ham hố làm giàu, tranh thủ sống gấp thụ hưởng vật chất thì Nhà viết kịch lại miệt mài kiên nhẫn làm một công việc cực kỳ khó nhọc không ai xui khiến là ….viết kịch. Đây là tập kịch thứ năm của Ông có tên là Trời vẫn sáng gồm 7 kịch bản viết về những đề tài khác nhau của cuộc sống xã hội. Hãy xem Nhà viết kịch Lê Văn viết những chuyện gì qua những trang kịch bản. Hầu hết là những câu chuyện bình dị “muôn mặt đời thường” hàng ngày Ông thường thấy, thường nghe, thường chiêm nghiệm. Chuyện một gia đình có người cha và những đứa con trai. Bà đã mất, ông sống với đồng lương hưu của một đại tá, với tấm lòng sạch trong và những suy nghĩ tốt lành về cuộc sống. Nhưng trong cặp mắt của những người con, “tư tưởng” của ông là lạc hậu, là không thức thời. Ông cô đơn ở một phía. Một người con đã bỏ nhà đi xử người tìm sự nghiệp. Một đứa khác táo tợn mượn danh ông làm bậy. Phải xử sự sao đây với những đứa con ruột thịt mà vẫn giữ được phẩm giá và những điều ông hằng thờ phụng? Cuối cùng, đứa giả danh thì phải vào tù, còn đứa ra đi thì trở về với công trình khoa học và sự hăm hở cống hiến cho xã hội.

Ông đại tá mới chợt hiểu ra rằng sống không những phải giữ được phẩm giá mà còn phải biết hành động có ích cho bản thân mình và cho đất nước nữa. Dù sao khi người con trở về, ông đã thấy được một niềm hạnh phúc của chính ông (Ngày trở về). Và một chuyện tưởng chừng giản đơn. Cô thợ dệt kia tuy ở giai đoạn tập sự đã là một công nhân dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực của xí nghiệp dệt may. Trong “chiến dịch” thi đua làm ra nhiều sản phẩm để kịp thời gian xuất xưởng, cô đã dám đấu tranh với thói gian dối, để bảo vệ uy tín của xí nghiệp, của bà giám đốc – mẹ chồng tương lai – mặc cho những kẻ xấu câu kết hù dọa. Một bên là lương tâm người thợ, danh dự một công nhân Việt Nam, còn bên kia là quyền lợi vật chất đang chờ đợi ? Cuối cùng cô đã chiến thắng (Lỗi sợi).

Ông hiệu trưởng Trần Vĩnh trong vở kịch (Vẫn còn một niềm tin) lại rơi vào một thảm cảnh oan trái khó hiểu. Ông bị vu tội hiếp dâm, tội cưỡng hiếp phụ nữ, một nhân viên nấu bếp, bị khai trừ khỏi Đảng khi ông đang gánh trọng trách của một hiệu trưởng Trường Trung học cô nuôi dạy trẻ. Gần 10 năm sau khi nghỉ huu, ông vẫn tin rằng, có một ngày kia công lý sẽ đem lại sự công bằng. Vì vậy mà hai vợ chồng ông vẫn kiên trì nhờ báo chí can thiệp, minh oan….

…. Chuyện kịch của Nhà viết kịch Lê Văn xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Người đọc, người xem sẽ nhận ra đó là những “chuyện thường ngày” không mấy xa lạ. Là những hình bóng, những khuôn mặt, những “chân dung” ta thường bắt gặp ở đây đó, chung quanh ta. Cảm như tác giả “bê nguyên xi” từ ngoài đời vào tác phẩm. Nhưng không phải là người sao chép thô vụng tất cả những gì ở ngoài đời. Bằng cảm quan tỉnh táo và trái tim nồng nàn, qua những câu chuyện đầy kịch tính Ông cố gắng đưa ra một giải pháp cho nhân vật, không “nhẫn tâm” đẩy họ vào chân tường, dồn họ vào ngõ cụt. Người cha tội nghiệp vì những đứa con, nhưng không phải là kẻ bất hạnh. Tình thương và lẽ phải đã dẫn dụ những chàng trai bồng bột dại khờ kia trở về trong cánh tay trìu mến nhân hậu của bậc sinh thành (Ngày trở về). Cô thợ dệt đã không thể vì “miếng cơm manh áo” làm mất đi vẻ đẹp chân chính của người thợ (Lỗi sợi). Và vị hiệu trưởng cần mẫn có trách nhiệm kia thức ngộ một điều căn bản của đời sống là phải dũng cảm trong đấu tranh, phải sống có ích cho xã hội, sống thực là một con người (Vẫn còn một niềm tin).

Những kịch bản: Chuyện một người vào Đảng, Chuyện kể trên một chuyến tàu, Trời vẫn sáng, Chỉ với tình yêu… Nhà viết kịch Lê Văn vẫn giữ được phong cách của mình, dung dị, chân thực, vị tha. Mỗi vở kịch Nhà viết kịch như muốn tỏ bày niềm khát khao cháy bỏng: Hãy trân trọng và mến yêu cuộc sống dẫu cuộc sống hôm nay còn vô vàn những điều khiến ta phiền muộn, cay đắng, xót xa, nhưng hãy yêu và đừng bao giờ chán nản. Và hãy sống thực là mình với tất cả những ưu việt và khuyết tật của bản thân, đừng làm con rối cho thói đời giật dây. Chỉ có một cái TÂM tốt lành, khoan dung mới có thể cất lên lời gọi kêu chân thành nồng ấm như thế.

Mỗi người có một đam mê. Ở Nhà viết kịch Lê Văn đam mê sáng tác như một niềm tin thôi thúc tự thân, không viết ra “không thể chịu được” tuy biết rằng “kịch là khó lắm”, được dàn dựng trên sân khấu đến trực tiếp với khán giả càng không dễ dàng. Nhưng Nhà viết kịch vẫn viết với tất cả tài lực khiêm tốn của mình. Nỗi đam mê này chắc hẳn sẽ đeo đuổi Nhà viết kịch suốt đời. Chúng ta hoàn toàn tin cậy và chờ đợi những kịch phẩm có giá trị của Nhà viết kịch Lê Văn.

BT