NƠI TA TRỞ VỀ KHÔNG CÒN CỦA RIÊNG “TA”

Tôi có may mắn được nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn gửi qua email tập bản thảo cuốn sách sắp in của anh với lời dặn nhẹ nhàng, ân tình, khiêm tốn: “Chú Thế Kỷ – Nguyễn Thế Nhật Phong thân yêu đọc cho vui, để biết rằng, sau khi anh em mình không tham gia công việc ở Hội Nhà báo Việt Nam, ở Đài Tiếng nói Việt Nam nữa, ta vẫn đi, vẫn viết; vẫn luôn gắn bó với cuộc sống, với bạn bè, đồng nghiệp và với đông đảo công chúng. Do đó, khoảng không gian từ Hà Nội đến Bà Rịa -Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh hay Kiên Giang, Cà Mau, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên Phủ, Chiang Mai – Thái Lan hay Ấn Độ… đâu phải là xa, đâu còn là khoảng cách”.

01

Bìa sách “Nơi ta trở về” (NXB Văn học, 6/2024).

Tôi và nhiều đồng nghiệp biết đến Phạm Quốc Toàn là cây bút xông xáo, sắc sảo, một Tổng biện tập bản lĩnh, giỏi nghề. Anh là mẫu nhà báo sống nghĩa tình, tâm sáng, bút sắc – yêu nghề đến cháy bỏng. Nhiều vấn đề của cuộc sống được đặt lên bàn người cầm bút, Phạm Quốc Toàn đều có cách nhìn sáng rõ, phải trái – đúng sai rõ ràng. Với Phạm Quốc Toàn, khó khăn không chùn bước, hiểm nguy không sờn lòng. Trong vai người cầm bút hoặc vai nhà quản lý, đứng đầu một cơ quan báo chí anh lý giải, luận bàn thấu đáo, trách nhiệm, nhân văn, có trước có sau, nhìn cây mà thấy rừng, nhìn nước mà thấy biển. Cảm nhận về đồng nghiệp – kể cả những đồng nghiệp “lỡ đà – sai bước” – cái gì thuộc về nguyên tắc thì anh kiên quyết, thẳng thắn, không khoan nhượng, nhưng thái độ và cách ứng xử của anh nhân văn, chừng mực, ấm áp, biết người biết ta.

02

NB Phạm Quốc Toàn trước Tháp Đại Giác, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ, 25/12/2023.

Tôi biết, vào tuổi xế chiều anh đang nhớ đến nôn nao những ai, những điều gì mà anh đã đi, đã gặp, đã cảm, đã viết trong đời cầm bút của mình. Cho đến lúc này, tuổi đã ngoài thất thập, anh vẫn bền bỉ đi, xúc động viết, làm những điều có ích cho người, cho đời. Nhà báo lão thành xuất sắc Phan Quang khi nói về người đồng nghiệp, người em quý mến của mình đã nhấn mạnh: “Nhà báo Phạm Quốc Toàn, cây bút tài hoa, viết khỏe, viết nhanh, đủ thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, chân dung đồng nghiệp, bút ký lữ hành, truyện ký… Hơn nửa thế kỷ làm nghề, anh là một nhà báo tài năng, yêu nghề, luôn tận tụy với công việc, có nhiều cống hiến cho báo chí nước nhà”. Đúng như vậy, Phạm Quốc Toàn đã viết hàng nghìn, hàng vạn bài báo lớn nhỏ; thời điểm này anh đã xuất bản 25 cuốn sách, hàng ngàn số báo mà anh là Tổng biên tập; anh còn góp cho làng báo, làng văn các cuốn sách thấm đẫm bao tâm huyết, công sức: “Tản mạn về đời”, “Đời và nghề”, “Đi một ngày đàng…” “Tôi nói bằng mồm tôi”, “Xứ sở chùa Vàng”, “Đất vàng”, “Ký giả”, “Phi thường”, “Búp sen hồng”, “Lốc xoáy thời cuộc”, “Con voi chui lọt lỗ kim”, “Từ bến sông Nhùng”, “Cá chép hóa rồng”, “Hoa bằng lăng”, “Cõng bà đi mở đất”… và những ngày tới đây sẽ là cuốn sách mới “Nơi ta trở về”…

03

NB Phạm Quốc Toàn (thứ 2 từ trái qua) cùng các lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Hội Nhà báo VN, UBND TP. HCM, tại Hội báo toàn quốc, tháng 3/2024.

Tác phẩm “Nơi ta trở về” (Nhà XB Văn Học, 6/2024) là những ghi chép mang đậm tính báo chí nhưng nhuần nhuyễn chất văn học qua từng trang viết, như râm ran có thơ có nhạc trong đó. Người đọc vẫn nhận ra trong đó sự quan sát, phát hiện, rung cảm cuộc sống của một nhà báo, nhà văn nhiều nghĩ suy, trắc ẩn, rất trách nhiệm. Phãm Quốc Toàn lặng lẽ nhìn, lặng lẽ quan sát, nhưng không gì là không biết, không gì là không cảm, không thấu đáo tận chân tơ kẽ tóc. Ba mươi ghi chép, ba mươi câu chuyện ngắn gọn, nhẹ nhàng, gợi nhiều suy tưởng, tất cả đều hướng đến chân, thiện, mỹ. Trong đó, tác giả Phạm Quốc Toàn vẫn dành cho quê hương, nghề báo, người làm báo, bạn đọc báo nhiều trang viết nhất. Đó là ghi chép “Nơi ta trở về” – tên bài bút ký thành tên cuốn sách. Đó là miền Trung, là xứ Nghệ, là Hương Khê – Đức Thọ – Vũ Quang nguồn cội, là dãy núi Giăng Màn, là song Tiêm, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trươi, sông La, sông Lam, núi Hồng, núi Quyết… Đó là các làng quê, dòng họ, con người coi trọng chữ nghĩa, nổi danh khoa bảng, giàu lòng thương yêu, đùm bọc, chở che. Đó là những câu chuyện truyền lửa “Dân ta phải biết sử ta”, “Nên vành hoa đỏ”, “Trăng ngân đầy thuyền”, “Thưa các chị các anh”, “Tự học”, “Đam mê dó trầm”, “Cuốn sách tôi yêu”, “Dạy toán mê vẽ” … Đó là những việc làm nhân lên cái đẹp, mầm thiện; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác “Hùng vĩ và thân thiện”, “Bà Anna từ thiện”, “Một hành trình đẹp”, “Chùa trong lòng mình”, “Chuyện nhà anh Tủa”, “Tặng sách và đọc sách”, “Tham, sân, si”, “Đẹp và chưa đẹp”, “Viện dưỡng lão”, “Nụ cười ông Troussier”…

04

NV PGS TS Nguyễn Thế Kỷ đọc tác phẩm của đồng nghiệp Phạm Quốc Toàn, 19/6/2022.

Những ghi chép, những câu chuyện dung dị, lời lẽ mộc mạc, chân thành, hóm hỉnh, trào lộng, nhiều chiêm nghiệm, suy tư, sâu lắng trước hết cho chính tác giả và mong muốn chuyển đến độc giả những thông điệp nho nhỏ, thân thương, không một chút màu mè, khoa trương, giáo lý. Vì những phẩm chất ấy, “Nơi ta trở về” không còn của riêng “ta” – tác giả, mà đã là của nhiều người, của công chúng, nhất là cho nhiều người trẻ.

Hà Nội, ngày 4/6/2024

PGS TS Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ