NGỌT ĐẮNG TRƯỜNG SA
Ghi chép của NB-NS: Lê Việt Quân
Không biết tự bao giờ Hoàng Sa- Trường Sa- Gạc Ma luôn là điều thiêng liêng lắng đọng, ẩn chứa nơi sâu thẳm trái tim mình. Phải chăng đó là vào năm 1972- khi người ta đánh chiếm Hoàng Sa hay khoảnh khắc quân ta giải phóng Trường Sa vào ngày 29/4/1975, hoặc sự kiện trở nên bất tử thà hy sinh thân mình để bảo vệ Gạc ma của 64 chiến Hải quân vào ngày 14/3 năm 1988?
Đúng!- Những sự kiện trên càng làm đậm hơn tình yêu biển- đảo trong tôi. Nhưng có lẽ trên hết, bởi mỗi nhành san hô; mỗi cành cây, ngọn cỏ; mỗi hòn đá; mỗ giọt nươc biển là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Chính vì những điều tưởng chừng như giản đơn, nhưng rất đổi thiêng liêng ấy, nên được đi Trường Sa, được tận mắt nhìn thấy biển trời mênh mông và những hòn đảo oằn mình chống chọi với phong ba bão tố và bao thế hệ cha ông từ ngàn xưa cho mãi tận hôm nay đã thầm lăng hy sinh xương máu để dựng nên một Việt Nam hùng vĩ, càng thêm ý nghĩa. Và ngày ấy đã đến. Đó là ngày 20/4/2023 và những ngày sau nữa…
Đêm 19/4- đêm trước ngày bay ra Cam Ranh để lên tàu bắt đầu chuyến hải trình đến Quần đảo Trường Sa- một đêm khó ngủ, lòng cảm thấy bồn chồn đến lạ, chưa đến 4h sáng đã thức dậy, mặc dù hành trang đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. 7h15 mình đến nơi họp Đoàn, nhận và thay đồng phục. Trước khi vào họp, 20 thành viên trong đoàn cùng các anh chị trong Ban tổ chức thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB “ Vì Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu” “tranh thủ” ráp Liên khúc “Hành khúc Chiến sĩ Trường Sa” dưới sự hướng dẫn của một thành viên tham gia đoàn vào giờ chót: Nguyễn Thị Thuý Phượng. Do các thành viên của đoàn đến từ nhiều nơi nên có đôi chút bở ngỡ, e dè nên hát còn chệch choạc, chưa thuộc lời, đúng giọng, đúng nhịp. Nhưng tất cả đều biểu hiện sự quyết tâm làm sao để có thể hát tốt nhất, hay nhất để động viên, cổ vũ các chiến sĩ. Một chi tiết khá thú vị, là trong khi các thành viên tập dượt, vì còn khá nhiều người chưa thuộc lời và cũng có thể chưa nhận rõ ý tưởng của tác giả, nên khi hát câu “ Biển này là của ta/ Đảo này là của ta” không được mạnh mẽ, dứt khoát đúng như ý định của tác giả, cô Bảy ( Trương Mỹ Hoa- Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch quỹ học bổng Vừ A Dính; Chủ nhiệm CLB “ Vì Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu”) đã nhắc mọi người cần hát mạnh mẽ, dứt khoát, hùng hồn. Vì đó là sự khẳng định chủ quyền, rằng đất trời này, biển đảo này là của ta, chứ không phải của ai khác và cũng đừng hòng ai đó dòm ngó, xâm phạm. Nó cũng tựa như câu: “ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” của Danh tướng vĩ đại nhất thời nhà Lý: Lý Thường Kiệt, vậy!
Khi các thành viên hát tạm ổn, cuộc họp chính thức được bắt đầu. Trong cuộc họp, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính( viết tắt là Quỹ) ngoài việc nêu ý nghĩa, mục đích của chuyến đi là để thăm hỏi, động viên, tặng quà cho quân và dân trên đảo; việc quan trọng hơn là tìm hiểu tâm tư, tình cảm, và những khó khăn, thiếu thốn của người lính và người dân để có thể kết nối với nhiều, thật nhiều người cùng chung lòng, chung sức chăm lo cho người dân yên tâm bám biển và các chiến sĩ đang ngày đêm gian khổ, vất vả, thậm chí hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ sự bình yên của đất nước. Đó là chuyến công tác mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Vì vậy, các thành viên của Đoàn, ngoài việc chấp hành nghiêm túc quy định của chuyến đi, phải đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đoàn( Đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa- năm 2023, với trên 230 thành viên hợp thành từ nhiều đoàn), của Quỹ giao, mà phải đến với người lính, người dân bằng sự trân trọng, lòng biết ơn, tình yêu thương chân thành…Điều khiến cả đoàn tâm đắc nhất chính là câu nói của Chủ tịch Quỹ: Được đi Trường Sa là niềm vinh dự lớn lao, bởi không phải bất cứ ai có tiền- dù nhiều đến mấy: Muốn đi là được đi!
Theo kế hoạch ban đầu, trưa ngày 21/4 đoàn sẽ bay ra Cam Ranh để ngày hôm sau(22/4) khởi hành đi thăm Trường Sa, nhưng theo đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân, tất cả các đoàn “tập kết” sớm hơn một ngày(20/4) để thăm hỏi, động viên CB-CS Lữ Đoàn 146- Lữ Đoàn được giao trọng trách quản lý, bảo vệ Quần Đảo Trường Sa và Viếng, dâng hương tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ Đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Khu tưởng niệm được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2015 và hoàn thành tháng 7 năm 2017, tại phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Nơi đây, Đoàn kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt Sĩ, thăm khu mộ gió, được nghe hướng dẫn viên kể về trận chiến không cân sức giữa ta và địch, về sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ để bảo vệ Đảo Gạc Ma. Máu của các anh tô thắm lá cờ Vinh quang của Tổ quốc… Cũng tại nơi này, các thành viên trong đoàn rất bất ngờ, xúc động khi gặp các em: Nguyễn Tiến Xuân, Thiếu tá, trợ lý Tác chiến vùng 4 Hải quân. Xuân là trai con liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, Sĩ quan thuộc Lữ Đoàn 146, chỉ huy trưởng Đảo Gạc Ma hy sinh trong trận hải chiến ngày 14/4/1988 và em Trần Mai Thuỷ, Thượng uý, thuộc Lữ Đoàn 146. Thuỷ là con gái của Trung uý Trần Văn Phương, Phó chỉ huy Đảo Gạc Ma- Người quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và kêu gọi đồng đội với câu nói bất hủ: “ Thà hy sinh chứ không chịu mất Đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Trần Mai Thuỷ là con gái chưa một lần gặp mặt của liệt sĩ Trần Văn Phương, bởi khi ông và đồng đội “ siết tay nhau thành Vòng tròn bất tử”- Thuỷ còn trong bụng mẹ. Cũng xin nói thêm, chính Thuỷ là hình tượng hết sức sống động để người viế bài này cùng một nữa của mình là Nhà giáo Phan Thị Ánh Hoàng viết nên ca khúc “Cha ơi”. Ca khúc có câu: “ Cha đã hẹn, sao cha không về với Mẹ, để hôn con khi con mới ra đời”, là vậy!
Ca khúc này tác giả trân trọng tặng CB-CS Lữ Đoàn 146- là đơn vị mà Sĩ quan Trần Văn Phương từng phục vụ trước lúc hy sinh, với cả tấm lòng thành kính, biết ơn đối với các chiến sĩ đã “ quên thân mình thề giữ lấy Gạc Ma”…
Sáng sớm ngày 22/4, xe chở các thành viên của Đoàn từ nhà khách Lữ Đoàn 146 và khách sạn Trường Sa đến bến tàu. Một chi tiết nhỏ nếu không để ý và ngẫm nghĩ sẽ thấy rất đổi bình thường, nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa sâu xa. Đó là khi xe chở đoàn công tác đi qua các ngã ba, ngã tư đều có các chiến sĩ Hải quân đứng chào một cách trang nghiêm dù tiết trời nóng bức. Các chiến sĩ chào, là chào những tấm lòng, chào những yêu thương của đoàn công tác được tập hợp từ khắp mọi miền của cả nước sắp mang hơi ấm đất liền sưởi ấm trái tim người lính, tiếp thêm động lực, niềm tin, sức mạnh để các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc, mà vì nhiệm vụ cao cả ấy các chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng của mình: Xa vợ con, xa gia đình, bạn bè, người thân hăng hái xông pha nơi đầu sóng ngọn gió!
8 giờ hơn, khi tàu chuẩn bị rời bến, các chiến sĩ hàng ngũ chỉnh tề, trang trọng chào tiễn đoàn theo nghi thức nhà binh. Sau gần 2 ngày “vượt sóng khơi xa”, tàu đến Đảo Sông Tử Tây vào khoảng 13 giờ ngày 23/4 trong niềm hân hoan, phấn khởi của các thành viên trong đoàn và sự vui mừng khó tả của CB-CS và người dân trên đảo khi đoàn đến thăm. Tại đây, Đoàn chỉ có hơn 3 tiếng đồng hồ để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, tặng quà, giao lưu với CB-CS và người dân. Thời gian ít ỏi, nên mọi hoạt động diễn ra rất khẩn trương. Ngoài cuộc gặp chung giữa lãnh đạo đoàn với CB-CS được tổ chức tại hội trường, số đông còn lại chia thành nhiều nhóm đi thăm nơi ăn ở, nghỉ ngơi của các chiến sĩ và người dân. Riêng đoàn của Quỹ học ta, ngoài việc cử đại diện tham gia các hoạt động chung, phần đông anh, chị em tích cực thực nhiệm vụ do lãnh đạo của Quỹ giao. Nơi đây, đoàn đã trao học bổng cho các em học sinh và tặng quà cho thầy, trò của trường. Các thành viên của đoàn rất vui mừng, phấn khởi khi được thầy Phú, giáo viên của trường hướng dẫn thăm Thư viện của trường do Quỹ đầu tư xây dựng với kinh phí trên 3 trăm triệu đồng. Thư viện có nhiều đầu sách thiết thực cho việc học tập, giảng dạy của thầy và trò, được sắp xếp ngăn nắp, khoa học.
Ngày 24/4, 10 giờ hơn, đoàn đặt chân lên Đảo Đá Thị dưới cái nắng chói chang của một hòn đảo nhỏ nằm trơ trọi giữa biển khơi, không có nổi một nhành cây, ngọn cỏ. Gọi là đảo nhưng kỳ thực chỉ là hai khu nhà được xây dựng kiên cố và nối với nhau bởi cây cầu bằng bê tông vững chải. Tận mắt chứng kiến điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn, vất vả của những người lính trẻ, lòng mỗi người trào dâng cảm xúc. Nơi đây, ngoài việc thăm hỏi, tặng quà…, anh em hát nhiều, thật nhiều bài tặng người lính trẻ đang đứng gác giữa tiết trời nóng bức như là lời cổ vũ, động viên, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn không chỉ về vật chất mà cả tinh thần của người chiến sĩ…
Trong buổi chiều cùng ngày, Đoàn đến thăm Đảo Sinh Tồn Đông, các thành viên rất vui khi gặp và chụp hình lưu niệm cùng Chính trị viên phó của Đảo : Hoàng Văn Trung- một sĩ quan trẻ nhưng rất chững chạc, trưởng thành- người nhận được Giải thưởng Vừ A Dính của Quỹ học bổng Vừ A Dính vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Đến đâu, đoàn cũng cất cao tiếng hát tràn đầy nhiệt huyết, như là món quà tinh thần dành tặng chiến sĩ…
Đối với Đoàn công tác, 17 giờ ngày 24/4, có thể nói là buổi chiều đặc biệt nhất trong cả hành trình. Bởi ngoài việc được thăm hỏi, động viên CB-CS hai đảo Đá Thị và Sinh Tồn Đông, khi tàu qua đảo Len Đao đến ngang đảo Gạc Ma- mắt thường nhìn thấy. Tàu dừng lại để làm Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Dù chưa tới giờ hành lễ, nhưng các thành viên của đoàn với trang phục chỉnh tề có mặt đông đủ trên sân bay của tàu ( Tàu có sân bay dùng cho máy bay lên thẳng ở tầng 3) để có nhiều thời gian nhìn ngắm đảo Gạc Ma – nơi mà 35 năm trước người ta đã ra tay tàn độc đến tột cùng tội ác để giành lấy!…
Theo phong tục, tập quán từ bao đời nay, Lễ Cầu siêu được diễn ra hết sức trang nghiêm, với hương, hoa lễ vật được thành tâm chuẩn bị từ trước và lời nguyện cầu nói về công đức vô lượng của các bật tiền nhân, trong đó có 64 chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh, xương cốt mãi nằm lại giữa biển khơi để Quốc thái Dân an, Đất nước trường tồn.
Khoảng 19 giờ- Lễ tưởng niệm được bắt đầu bằng 1 phút Mặc niệm tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sĩ với bài “Hồn tử sĩ” vang lên giữa mênh mông sóng nước, với phía bên trái thân tàu chưa khuất tầm nhìn là đảo Gạc Ma- Nơi mà 64 người con thân yêu của dân tộc mãi mãi không về trong vòng tay ấm áp, yêu thương của cha mẹ, vợ con. Buổi lễ càng trở nên thiêng liêng khi đại diện Ban tổ chức đọc Diễn văn tưởng nhớ công lao to lớn, về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc bằng giọng đọc thiết tha, truyền cảm khiến mọi người càng thêm xúc động, nghẹn ngào, gần như tất cả đều không cầm được nước mắt. Và nỗi nghẹn ngào, xúc động và những giọt nước mắt tiếc thương, tri ân ấy như hoà quyện với những cánh hạc, những cành huệ trắng được thả vào lòng biển sâu đến sưởi ấm vong linh những người con đã xả thân vì nước; hiên ngang trước họng súng, lưởi lê khiến kẻ thù khiếp sợ. Rằng, mọi người ở đây- trên con Tàu KN- 490 và triệu, triệu trái tim của người con Đất Việt mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh!
Có một chi tiết nhỏ cũng cần kể ra đây, là khi mọi người cùng tưởng niệm phía trên, có một người vì nhiệm vụ chăm lo cho đoàn mà âm thầm lặng lẽ mở bao thuốc lá mới, thành kính mời cha mình và các đồng đội cùng hy sinh với ông. Đó là Đại uý Nguyễn Hồ Hải, Lực lượng Kiểm ngư- con rễ của Trung uý Trần Văn Phương- Người đã cùng đồng đội tạo nên “Vòng tròn Bất tử” năm xưa. Thế mới thấy, đối với người lính- dù trong hoàn cảnh nào cũng sẵn sang hy sinh quyền lợi riêng của mình vì lợ ích chung. Thật cảm động đến nao lòng!
Ngày 25/4, khoảng 6 giờ, đoàn đến Đảo Đá Đông B. Nơi đây, hoạt động của đoàn rất khẩn trương nhưng mang nhiều ý nghĩa, bởi ngoài việc thăm hỏi, tặng các phần quà thiết yếu phục vụ đời sống thường ngày của người lính; nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng khoảng tiền khá lớn để xây dựng thư viện đa năng phục vụ đời sống tinh thần của người chiến sĩ. Và cũng như các điểm đoàn đến thăm trước đó, đội văn nghệ( tự hình thành) của đoàn Quỹ học bổng Vù A Dính do “ hoạt náo viên” Nguyễn Thị Thuý Phượng đàn, hát thu hút nhiều người cùng tham gia một cách say sưa quanh người lính gác. Ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng, tình yêu thương của mình dành cho người lính. Có một chi tiết khá thú vị là trong tốp ca “ tự hình thành” đó, có Thượng tá Phạm Văn Thắng, Sĩ quan tác chiến lực lương Hải quân, dù bận rộn với việc hướng dẫn các thành viên của đoàn xuống Cano để lên tàu một cách an toàn, tranh thủ những phút giây ngắn ngũi cùng cất cao giọng hát với anh em. Và ca khúc “ Nhỏ ơi” được anh thể hiện rất tình cảm, cũng rất nhí nhảnh, dễ thương, như nói thay tâm tư của những lính trẻ về sự thiệt thòi với tình yêu đôi lứa… Mọi người hát như chưa bao giờ được hát, vậy!
Rời Đảo Đá Đông B trong sự lưu luyến đến nghẹn lòng, đoàn đến Đảo Trường Sa khoảng 13 giờ và lưu lại đến 21 giờ. Đây là điểm đoàn dừng chân lâu nhất, với các hoạt động hết sức sôi động đậm tình quân dân giữa đất liền với biển đảo, được diễn ra sau Lễ duyệt binh đón đoàn một cách trọng thị, trang nghiêm.
Đoàn rất vui mừng, phấn khởi khi nghe lãnh đạo của Đảo báo cáo về những thành tích đạt được trong công tác huấn luyện cũng như việc cố gắng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của chiến sĩ và người dân trong điều kiện có thể, giúp họ yên tâm bám đảo, bám biển, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Nơi đây, tôi được Ban tổ chức sắp xếp thời gian tặng CB-CS Đảo Trường Sa ca khúc “ Gởi anh người lính đảo xa”. Với mong muốn duy nhất là qua ca khúc nói lên tình cảm của những người mẹ, người vợ, người con ở đất liền luôn ngày đêm hướng về người lính đang ngày đêm gian khổ, thậm chí hy sinh thân mình để giữ gìn sự bình yên của đất nước.
Sau khi đến thăm, tặng quà, trao học bổng cho các em học sinh trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, các thành viên của đoàn Quỹ học bổng Vừ A Dính cùng cổ vũ cuộc thi việt dã do lãnh đạo đoàn công tác tổ chứ nhằm gây quỹ ủng chăm lo cho việc học tập của các em học sinh trên đảo, với số tiền 50 triệu đồng do các mạnh thường quân ủng hộ. Buổi tối, dưới ánh điện lung linh, đêm văn nghệ với nhiều tiết mục khá đặc sắc do đội văn nghệ Trường Cao đẳng VH-NT Hà Nội; các chiến sĩ và các em học sinh trên Đảo cùng tham gia biểu diễn tạo nên bầu không khí sôi động, vui tươi, phấn chấn, say đắm lòng người. Tiết mục múa võ cổ truyền của dân tộc do 2 em học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Trường sa thực hiện khá thuần thục, mạnh mẻ nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng. Khi được hỏi vì sao các em chọn và trình diễn tiết mục múa võ, em đại diện cho bạn trả lời là tập luyện võ thuật là để góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo…
Thời gian như cố tình trôi đi, đêm văn nghệ thắm tình quân-dân giữa đất liền và biển đảo rồi cũng kết thúc, mọi người lưu luyến tạm biệt nhau. Nhưng dư âm của nó chắc sẽ khó phai mờ trong ký ức của các thành viên đoàn công tác và CB-CS, người dân trên Đảo Trường Sa!
Khoảng 8 giờ sáng ngày 26/ 4, tàu buông neo, đưa người và hàng hoá xuống Cano chuẩn bị lên thăm CB-CS Nhà dàn DK1-8, còn gọi là Quế Đường. Mọi người đều phấp khởi, vui mừng vì sắp được lên thăm Nhà dàn, sắp được gặp gỡ những người lính mà cuộc sống “ lênh đênh” giữa biển trời mênh. Nhưng niềm vui chẳng được mấy chốc thì nỗi buồn ập đến, bởi sóng to gió lớn : Người và hàng hoá đều không thể lên Nhà dàn được. Sự nuối tiếc, sự buồn thương như luồn điện vô hình làm nhoi nhói con tim, làm cay cay khoé mắt. Hàng hoá không chuyển tặng chiến sĩ được, phải chuyển sang tàu khác khi nào thuận lợi sẽ chuyển đến các chiến sĩ. Còn người không lên Nhà dàn được, lãnh đạo đoàn quyết định dùng máy bộ đàm để thăm hỏi, động viên CB-CS Nhà dàn. Gần đến vậy mà không thể gặp nhau tay bắt mặt mừng; chỉ biết thăm hỏi, động viên, hát cho nhau nghe qua máy bộ đàm. Trong niềm cảm thương và xúc động ấy, ai cũng muốn làm điều gì đó để thể hiện tấm lòng, tình cảm yêu thương dành cho các chiến sĩ. Và từ cảm xúc dâng trào ấy, tôi đã hát tặng các chiến sĩ Nhà dàn ca khúc : “Gởi anh người lính đảo xa” bằng cảm xúc từ trái tim mình. Và bài thơ “ Ngọt đắng Quế Đường” của nhà báo Văn Ngọc Thuỷ cũng chóng vánh ra đời, được chính tác giả đọc tặng người lính. Bài thơ ngay khi vừa đọc đã cho tôi ý nhạc, với giai điệu thiết tha. Và chỉ 2 ngày sau- khi tôi còn đang ở Cam Ranh, ca khúc: “ Ngọt đắng Quế Đường” ra đời. Ca khúc có đoạn: “ Biển sáng nay vẫn trong xanh vời vợi/ Em chỉ cách anh chưa đến một ánh nhìn/ Nhưng sóng biển đập mạn tàu không ngớt/ Khiến vòng tay chưa thể nối liền…”
Tạm biệt Nhà dàn DK1-8. Tạm biệt các chiến sĩ tưởng lần đầu được gặp, khiến mọi người xúc động, nghẹn ngào. Các anh hãy vững tin, rằng đất liền vẫn mãi hướng về các anh với tình cảm yêu thương, lòng biết ơn sâu đậm nhất. Bởi các anh là điểm tựa vững chắc của Tổ quốc giữa biển khơi: “ Chào anh nhé, đất liền chào anh nhé/Anh ở lại vững vàng tay súng/ Gìn giữ yên biển đảo nước non mình/ Chào anh nhé, đất liền chào anh nhé/ Ngàn trùng xa ta vẫn mãi gần nhau” ( lời ca khúc “Ngọt đắng Quế Đường”)
Sẽ rất thiếu sót và không công bằng khi không nói về những công việc thầm lặng nhưng góp phần quan trọng cho thành công của chuyến công tác. Đó là tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo của các chiến sĩ ngay từ khi các thành viên của đoàn còn lưu lại ở Nhà khách Lữ Đoàn 146 hay suốt chuyến hải trình đều không ngại thức khuya, dậy sớm chăm lo cho đoàn từng bữa ăn với đầy đủ thịt, cá, rau củ được chế biến tỉ mĩ, công phu và đổi món mỗi ngày, với mong muốn là làm sao để mọi người được ăn no, ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khoẻ hoàn thành tốt chuyến công tác.
San sẻ những vất vã của các chiến sĩ trong việc chăm lo cho hơn 230 người ngày 3 bữa không hề đơn giản, nên các em trai trẻ trong đoàn phụ giúp bưng bê chén bát, lau dọn bàn ghế giúp các chiến sĩ. Việc tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm, sự trân trọng, lòng cảm ơn những người đã vì mình mà thức khuya dậy sớm…Và nơi đây, trong lần trò chuyện với một người lính còn rất trẻ, với cái tên có thể là họ của cha và mẹ ghép lại: Nguyễn Hoàng Long Hưng, quê ở Tp Hồ Chí Minh. Em cho biết sau khi ngập ngũ, em được điều động công tác trên tàu, không lâu nữa em được xuất ngũ. Mong muốn của em là dành dụm đủ tiền để mua 1 tấm nệm Kimdan tặng mẹ khi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Đem mong muốn rất đổi bình dị của em chia sẻ với các thành viên của đoàn, ai cũng thương, cũng xúc động, muốn được gặp em. Một thành viên đã hỏi, em đã dùm dụm đủ tiền để thực hiện ước mơ mua cho mẹ tấm nệm Kimdan chưa. Nếu chưa đủ anh sẽ tặng em 5 triệu để mua cho mẹ. Em nói đã để dành đủ rồi nên từ chối nhận số tiền mà thành viên trong đoàn định tặng, và cho biết đó chỉ là mong muốn chứ không phải ước mơ. Mơ ước của em là sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, khi ra quân sẽ học lên đại học. Lúc đó nếu được trao, em sẽ nhận để lo cho việc học. Thế mới thấy, môi trường sống, công tác, rèn luyện trong quân đội thật tuyệt vời, vì đã tạo nên những chiến sĩ không chỉ tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn hiếu thảo với mẹ cha, có hoài bão, ước mơ trở thành một công dân thật sự hữu ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước…
Làm sao có thể liệt kê hết những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy trách nhiệm, đầy tình nghĩa của các thành viên trong đoàn. Đó là sự quan tâm, chăm sóc nhau khi thành viên trong đoàn ốm đau, say sóng; đó là việc tất cả thành viên đều tích cực tham gia các hoạt động của đoàn với sự tự giác cao. Có thể nói, đoàn của Quỹ học bổng Vừ A Dính tuy không đông, nhưng đi đến đâu là ở đó rộn vang tiếng hát, thu hút đông người hưởng ứng. Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hồng Hà nữa đùa nữa thật, đại ý: Các bạn đoàn Vừ A Dính đó à, đến đâu cũng thấy các bạn say sưa ca hát phục vụ chiến sĩ. Đó là điểm cộng thêm cho tiết mục dự thi do đoàn công tác vừa tổ chức. Thật vậy, Tốp ca do phần lớn “diễn viên” từ U5,6,7 thậm 80 trình diễn đã về nhì trong cuộc thi đầy gây cấn. Bởi các đội tham gia nào phải dạng vừa!…
Xin trích 2 câu trong ca khúc: “ Ngọt đắng Quế Đường” để khép lại bài viết này: “ Quế Đường đó vẫn hiên ngang nơi sóng gió/ Điểm tựa giữa biển khơi- Tổ quốc anh linh”…
Tp HCM, 9/5/2023 LVQ