NÉT VĂN HOÁ ĐỘC ĐÁO CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG 

TRẦN BẢO TRÂN 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi đầu sự nghiệp chính trị từ việc làm báo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp ngành ngữ văn, ông về làm báo tại tạp chí Cộng sản ( trước đây là tạp chí Học tập)- cơ quan lý luận của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Được đào tạo cơ bản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và nhà nước, cả cuộc đời hoạt động cách mạng của TBT Nguyễn Phú Trọng đậm dấu ấn văn hoá từ quan điểm chính trị đến mối quan hệ giữa con người với con người.

TỪ ĐỊNH HƯỚNG XHCN đến ĐƯỜNG LỐI NGOẠI GIAO CÂY TRE.

Nhận thức là một quá trình. Thực tế minh chứng những cái mới đều đón nhận thách thức và gây tranh cãi. Ngẫm lại việc TBT Nguyễn Phú Trọng kiên trì quan điểm “ nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN” lúc đầu không phải dễ thống nhất. Nhưng, vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước, trước hết là vì “ dân giàu, nước mạnh”, TBT kiên định quan điểm đã chọn. Ông viết 15 tập sách và hàng chục bài báo để phân tích, lý giải” con đường đi lên CNXH ở VN”. Những tư tưởng quan điểm ấy của Đảng ta, đứng đầu là TBT đã đi vào cuộc sống. Và sau hơn 1/3 thế kỷ, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã “ thu được những thành tựu to lớn,  có ý nghĩa lịch sử”; “ “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó chính là nét văn hoá- văn hoá vì con người. 

Thực hiện đường lối ngoại giao rộng mở của Đảng, TBT Nguyễn Phú Trọng là tác giả phương pháp ngoại giao cây tre. Đó là sự kiên định vững vàng về quan điểm chính trị ( dĩ bất biến ) và sự uyển chuyển về phương pháp ( ứng vạn biến ). Nhờ thế, vị thế đất nước ta “ chưa bao giờ có được như ngày nay”. VN trở thành điểm đến bình an, thành viên có trách nhiệm của LHQ và “ hộ chiếu”  VN nâng tầm trong mối quan hệ quốc tế. Xét cho cùng, đó cũng là nét văn hoá VN. 

TÌNH NGHĨA THUỶ CHUNG, NOI GƯƠNG CÁCH SỐNG 

Sinh thời, bận “ trăm công ngàn việc “, nhà báo Nguyễn Phú Trọng – TBT của Đảng ta luôn ý thức việc rèn luyện và nuôi dưỡng nét đẹp văn hoá của dân tộc. Nét đẹp văn hoá thể hiện đa dạng, nhưng theo TBT trước hết là mối quan hệ giữa con người và con người.

Mấy ngày nay, kể từ khi biết tin TBT Nguyễn Phú Trọng từ trần, qua truyền thông báo chí có biết bao câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt nói về nhà báo- TBT Nguyễn Phú Trọng với gia đình, thầy cô giáo, bạn học và đồng chí, đồng đội.

Những gì chúng ta thấy, rõ ràng TBT Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống giản dị, nghĩa tình, hết lòng vì mọi người. Lời dặn dò vợ con trước lúc đi xa của TBT; cách ứng xử với thầy giáo cô giáo và bạn học cũ…của TBT Nguyễn Phú Trọng toả lan vẻ đẹp văn hoá sống có thuỷ có chung, có nghĩa có tình của người VN ta. Sinh thời, GS Hoàng Như Mai, thầy dạy khi học đại học của nhà báo  Nguyễn Phú Trọng thường kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về người học trò cũ nay là một trong “ tứ trụ “ của đất nước ta. Điều GS Hoàng Như Mai kể tôi đã “ mục sở thị “ mỗi khi thầy chúng tôi – GS Hoàng Như Mai có việc lớn. Những lúc ấy, nhà báo Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như bao nhiêu học trò cũ của thầy, không phải danh nghĩa TBT của Đảng mà là học trò cũ. 

Ngày GS Hoàng Như Mai từ trần, bận công tác nước ngoài không về kịp TBT nhờ người mang vòng hoa đến viếng thầy với dòng chữ: “ Học trò cũ Nguyễn Phú Trọng kính viếng Thầy “. Mạng xã hội đang lan toả tình cảm bạn học cũ của TBT tại quê nhà thôn Lại Đà, xã Đông Hội huyện Đông Anh ( Hà Nội ); đặc biệt bức thư nhà báo TBT Nguyễn Phú Trọng gửi cho cô giáo cũ Đặng Thị Phúc. Nét chữ đằng tả, chân phương, lời lẽ khiêm tốn, lễ phép chạm tới trái tim, thổn thức người đọc bởi tình nghĩagiữa con người và con người…

Tất cả tạo nên nét văn hoá rất riêng của nhà báo Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam./.

TBT