
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Niềm tin của Nhân dân, khát vọng dựng xây kỷ nguyên mới
Ngày 1/7/2025, đánh dấu mốc lịch sử cải cách hành chính, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức áp dụng toàn quốc, mở ra giai đoạn hiện đại hóa bộ máy, phục vụ Nhân dân tốt hơn, minh bạch hơn, gần dân hơn.

Trong những ngày cuối tháng 6 này, khi thời khắc chuyển giao đang đến rất gần, hàng loạt ý kiến bạn đọc đã gửi về Báo Nhân Dân, chia sẻ niềm tin và kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới-nơi chính quyền thực sự phục vụ và đồng hành cùng người dân.
Chính quyền số – nền tảng cho hành chính hiện đại
Việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tỷ lệ tán thành rất cao (466/466 đại biểu có mặt đồng thuận) đã tạo tiền đề quan trọng để bộ máy mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Luật mới quy định hệ thống chính quyền địa phương được tổ chức hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã/phường), chấm dứt tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện/quận/thị xã nhằm tinh gọn bộ máy, giảm tầng trung gian, nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Ngay trong tháng 6, tỉnh, thành phố thực hiện hợp nhất các đơn vị hành chính đã khẩn trương rà soát nhân sự, sắp xếp bộ máy, đào tạo cán bộ, thử nghiệm quy trình “một cửa” và chuẩn bị cơ sở dữ liệu, nhằm bảo đảm không bị gián đoạn cung cấp dịch vụ công trong thời điểm chuyển đổi.
Tại Hà Nội, 126 xã, phường trọng điểm đã hoàn thành tập huấn, mô phỏng quy trình xử lý thủ tục hành chính, đồng thời kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Phòng cũng đã hoàn thiện hạ tầng số, đường truyền hội nghị, bảo đảm 100% hồ sơ điện tử được tiếp nhận và giải quyết ngay từ ngày đầu chính quyền mới đi vào hoạt động.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), bình luận trên Báo Nhân Dân: “Bộ máy tinh gọn không có nghĩa cắt bỏ nhiệm vụ, mà buộc phải chuyển mạnh sang chính quyền số. Chỉ khi tận dụng triệt để công nghệ, người dân mới thực sự cảm nhận được dịch vụ nhanh, minh bạch, không phiền hà”.
Bạn đọc Trần Long Giang, Giám đốc doanh nghiệp ở Bắc Giang chia sẻ trong thư gửi về tòa soạn: “Chúng tôi mong ngày này từ lâu, vì hệ thống cũ rườm rà, mỗi việc phải xin chữ ký khắp nơi, rất bất tiện. Chính quyền mới buộc cán bộ gần dân, giải quyết công việc nhanh và rõ ràng, đó mới là phục vụ thực chất”.
Một điểm nhấn trong đợt cải cách lần này chính là sự gắn kết giữa tinh giản bộ máy và thúc đẩy quản trị chính quyền dựa trên nền tảng số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết quý II/2025, trên 95% dịch vụ công mức độ 4 đã triển khai trực tuyến và tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây chính là “xương sống” để bảo đảm bộ máy chính quyền mới vận hành trơn tru, liền mạch, nhất là khi bỏ bớt một cấp trung gian.
Ông Nguyễn Hải Long, chuyên gia chuyển đổi số (Cục Chuyển đổi số-Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng), phân tích: “Nếu chỉ tinh giản mà không đồng bộ với hạ tầng số, chắc chắn sẽ sinh ách tắc, dồn việc. Chính quyền số đi song song với cải cách bộ máy mới bảo đảm quy trình xuyên suốt, dễ giám sát và quy trách nhiệm”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hòa (70 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ rất chân thực: “Hồi trước tôi làm giấy xác nhận hộ khẩu cho cháu đi học, phải chạy lên phường xin mấy chữ ký, đi đi lại lại mất cả tuần. Bây giờ qua mạng, nhờ con cháu khai hộ cũng được, chỉ 1-2 ngày là xong. Người lớn tuổi hay người bận rộn không phải nghỉ làm vẫn có thể làm từ xa, đỡ khổ biết bao”.
Những mong mỏi như vậy chính là động lực để bộ máy chính quyền số tiếp tục hoàn thiện. Bởi lẽ, người dân chính là “khách hàng” và cũng là chủ thể giám sát chất lượng của bộ máy công quyền.

Nhân dân đặt kỳ vọng lớn vào bộ máy hành chính công liêm chính, hiện đại
Điểm nhấn quan trọng của mô hình chính quyền mới còn nằm ở việc hạn chế xung đột lợi ích, phòng ngừa lợi ích nhóm. Việc sáp nhập đơn vị hành chính, giảm hàng nghìn chức danh lãnh đạo cấp xã và phường sẽ giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, riêng việc tinh giản bộ máy cấp xã trong giai đoạn vừa qua đã giúp tiết kiệm gần 1.400 tỷ đồng mỗi năm từ quỹ lương và phụ cấp. Số tiền này có thể được ưu tiên bổ sung cho các dịch vụ công thiết yếu như y tế cơ sở, giáo dục, hạ tầng nông thôn những lĩnh vực mà người dân trực tiếp hưởng lợi.
Bạn đọc Phạm Thị An, đảng viên ở Hà Nam, tỏ ra thận trọng: “Dân rất đồng ý tinh thần sáp nhập, giảm bộ máy. Nhưng mong Quốc hội, Chính phủ giám sát thật kỹ, đừng để sau khi sáp nhập lại phân chia quyền lực không rõ, dễ hình thành nhóm lợi ích mới”.
Bên cạnh niềm phấn khởi, không ít bạn đọc cũng gửi tới Báo Nhân Dân nỗi lo lắng chính đáng: Liệu chính quyền mới có thực sự chạy mượt ngay từ ngày đầu, khi hàng chục nghìn cán bộ phải học quy trình mới, công nghệ mới, và tiếp nhận thêm trách nhiệm mới?
Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), chia sẻ góc nhìn chuyên gia: “Sáp nhập, giảm biên chế là đúng, nhưng nếu không tập huấn kỹ, không giám sát tốt, thì người dân vẫn sẽ khổ vì chậm trễ, hoặc cán bộ làm qua loa để tránh trách nhiệm. Phải có cơ chế hậu kiểm, công khai trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm nếu để tồn đọng hồ sơ”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Bình (Trung Văn, Hà Nội) cũng nêu rõ: “Bộ máy cán bộ mới phải giỏi công nghệ, phải thay đổi tư duy phục vụ. Chúng tôi rất mong thấy những tấm gương tận tụy, giải quyết hồ sơ nhanh, minh bạch. Ai làm tốt thì biểu dương, ai nhũng nhiễu thì công khai xử lý nghiêm”.
Ở góc độ chỉ đạo điều hành, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh trong các hội nghị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần hết sức tập trung, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo. Để bảo đảm triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đạt hiệu quả, không gây xáo trộn hoặc gián đoạn trong quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiến độ từ nay đến ngày 1/7 là bắt buộc và không được điều chỉnh.
Các bộ, ngành, địa phương cần hết sức tập trung, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo. Để bảo đảm triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đạt hiệu quả, không gây xáo trộn hoặc gián đoạn trong quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiến độ từ nay đến ngày 1/7 là bắt buộc và không được điều chỉnh.
Tinh thần đó lan tỏa đến từng phường, từng xã nơi đội ngũ cán bộ đang gấp rút chuẩn bị để thực sự trở thành “công bộc của dân” đúng nghĩa, thay vì chỉ là những người giữ vai trò quản lý hành chính.
Điểm sáng lớn nhất mà dư luận ghi nhận là: chính quyền mới đã xác định rõ trách nhiệm “lấy người dân làm trung tâm”, đặt chất lượng phục vụ lên trên lợi ích của bộ máy. Không còn chuyện “xin-cho” phức tạp, không còn cảnh “vừa quản lý vừa kinh doanh” như các cán bộ kiêm nhiệm doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Thao, Bí thư Chi bộ 5, Đảng ủy phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ cùng toà soạn: “Nếu triển khai nghiêm túc, mô hình mới sẽ khắc phục tình trạng cán bộ lợi dụng kẽ hở trục lợi, tạo một bộ máy liêm chính, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết”.
Cùng với đó, nền tảng chính quyền số được thúc đẩy đồng bộ, các thủ tục hành chính công được số hoá, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư tất cả tạo nên một kỳ vọng lớn về công quyền hiện đại, minh bạch, thân thiện.
Niềm tin lan tỏa khắp mọi miền
Những ngày qua, Báo Nhân Dân nhận được hàng trăm ý kiến gửi từ nhiều địa phương trên cả nước, từ Hà Giang, Hòa Bình, Hải Phòng, Đồng Tháp đến Cà Mau, cùng chung niềm tin chính quyền mới sẽ là bệ phóng đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển hiện đại, minh bạch, thực sự phục vụ Nhân dân.
Bạn đọc Lê Trí Dũng (Hòa Bình) viết: “Tôi mong chính quyền đô thị giảm cấp trung gian, giúp dân không phải chạy qua nhiều cửa, không còn chuyện đẩy trách nhiệm lòng vòng. Việc của dân phải rõ ràng, minh bạch, nhanh gọn”.
Ông Trần Văn Bảy (Đồng Tháp) cũng chia sẻ: “Thủ tục đất đai ở quê tôi nhiều năm rất nhiêu khê. Nay nếu giảm bớt trung gian, làm nghiêm túc thì dân mừng lắm, đỡ phải chạy vạy, đỡ xin xỏ”.
Bạn đọc Tòng Thị Hồng Duyên (Hà Giang) lưu ý: “Nếu không hậu kiểm, không công khai, thì mô hình hay cũng dễ bị méo mó, bị lợi dụng. Mong Quốc hội, Chính phủ giám sát thật chặt, nhất là ở các vùng xa, vùng miền núi”.
Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải tổng kết: “Cán bộ, công chức là người thực thi quyền lực của dân, không thể vừa ban hành chính sách vừa tranh thủ tư lợi. Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định quyền lực Nhà nước là để phục vụ Nhân dân, không phải để làm giàu cá nhân”.
Trung tá, Tiến sĩ Tạ Quang Đạo (Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng) cũng gửi gắm: “Tôi mong con cháu sau này lớn lên được làm việc với một chính quyền thân thiện, biết lắng nghe và tôn trọng dân. Đó là thành quả đẹp nhất của cải cách”.
Thời khắc 1/7/2025 thực sự sẽ đi vào lịch sử hành chính nước nhà, như một dấu mốc cải cách vì dân, của dân và do dân. Hàng triệu ý kiến bạn đọc, đảng viên, chuyên gia đồng lòng chia sẻ trên khắp diễn đàn truyền thông với niềm tin chính quyền mới sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, gìn giữ kỷ cương, liêm chính và phụng sự Tổ quốc.
Mong muốn về một bộ máy gần dân – liêm chính – hiện đại không còn là khẩu hiệu, mà từng bước trở thành hiện thực, trong từng giấy tờ, từng thủ tục, từng nụ cười của cán bộ khi tiếp công dân.
Đây là bước đột phá quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ, hướng đến một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng khát vọng phồn vinh và hùng cường của dân tộc.