Hơn 200 trận động đất xảy ra trong tháng 7/2024

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã ghi nhận hơn 200 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0 theo thang Mô-men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trong tháng 7/2024.
 TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu chia sẻ về trận động đất. Ảnh: BL

Theo đó, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đã ghi nhận hơn 200 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0 theo thang Mô-men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Trong đó, khoảng 98% trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024, đã xảy ra 83 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0, trong đó, có tới 82 trận động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 21/7 với độ lớn 4.1.

Đáng chú ý là ngày 28/7 có tới 21 trận động đất; ngày 29/7 có 25 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11h35′ ngày 28/7 tại huyện Kon Plong được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này.

Khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định, ít ghi nhận hoạt động động đất. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, sau khi thuỷ điện Thượng Kon Tum tích nước, khu vực này ghi nhận động đất xảy ra liên tiếp. Hơn 3 năm qua, hàng trăm trận động đất đã được ghi nhận. Trong đó trận động đất mạnh 4.7 độ xảy ra vào tháng 8/2022 cũng gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.

Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất.

Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định, tương tự như động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam do hai khu vực này cùng đặc điểm địa chất. Vì thế, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực Kon Plong để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.

TS. Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý, ảnh hưởng của động đất đến môi trường tùy thuộc vào từng vị trí, cấu tạo địa chất của khu vực và cường độ động đất khác nhau. Động đất có thể gây rung lắc, gây nứt đất, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi. Ngoài ra, động đất có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước./.

Khôi Nguyên
NGUỒN: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/hon-200-tran-dong-dat-xay-ra-trong-thang-7-2024-674046.html