HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÀM BÁO

Luật Gia – Nhà báo Lê Văn

Trước hết cần phải yêu nghề. Hồ Chí Minh rất tự hào với nghề làm báo của mình. Người tự giới thiệu: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận”. Người có duyên nợ với báo chí. Suốt 50 năm làm báo không ngưng nghỉ. Hồ Chí Minh đã để lại hơn 2000 bài báo, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Hồ Chí Minh cũng đã sáng lập ra 9 tờ báo.

Hồ Chí Minh cho rằng nhà báo là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Điều đâu tiên, mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí nước ta phải hiểu rõ là mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng giành được, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn mới. Hồ Chí Minh viết, nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng đến mục đích chung. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ chân chính, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo không phải để  “lưu danh thiên cổ”, “ muốn viết bài cho oai”. Người căn dặn: “ Tất cả những  người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Hồ Chí Minh lưu ý: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Muốn trở thành nhà báo giỏi, nhà báo cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trao dồi tư tưởng nhiệm vụ và văn hóa”.

Lĩnh vực hoạt động báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết rộng kinh nghiệm cuộc sống phong phú và kỹ năng nghề nghiệp. Nhà báo phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Mỗi bài viết đều phải chứa đựng hàm lượng cao chất xám và nhiệt huyết của người viết. Hồ Chí Minh nói, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Người làm báo phải phấn đấu rèn luyện không mệt mỏi và phải ở mức cao nhất trong nghiên cứu và trong hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực cho các thế hệ nhà báo Việt Nam. Hồ Chí Minh là người học hỏi suốt đời nghề làm báo. . Người nói: “Bác học viết báo Pháp trước rồi học viết báo Trung quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam”. Người đã kiên trì học ngoại ngữ để có thể viết báo bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung quốc. Năm 1976, khi giảng bài cho lớp đảng viên mới, Người nói: Bác năm nay đã 76 tuổi rồi, nhưng đêm nào Bác cũng học. Học tập là công việc suốt đời.

Những tư duy sâu sắc của Hồ Chí Minh đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự: Muốn đánh thắng giặc đói, giặc dốt thì phải học tập… Theo Người, báo chí phải giúp cho dân chúng “mở mắt, mở tai”, nghĩa là thức tỉnh dân chúng, nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng, mà để làm được như vậy, những người làm báo trước hết: “phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Người dạy: “Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cẩn biết một thứ tiếng nước ngoài…”

Luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức trước hết của nhà báo là phải nhận thức sứ mệnh giác ngộ người đọc, chỉ cho họ cái xấu, cái cũ, cái sai để đổi ra cái tốt, cái mới, cái đúng. Nếu nhà báo nói và viết sai, không đề cao cái tốt, cái mới, cái đúng là chưa đạt đến đạo đức đầu tiên của mình.

Trước khi nói về làm báo, Người đặc biệt quan tâm đến nhân cách của người làm báo. Người coi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Người nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Nhà báo phải luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và lối sống.

Nhân cách của người làm báo thể hiện trong cách làm báo nói chung và cả trong cách viết nói riêng. Người đã đặt ra các câu hỏi và trả lời: Viết cho ai? Viết cho nhân dân, cho đại đa số công nông binh; Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Viết cái gì? Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. “Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”.

Người cũng rất chú ý đến hình thức thể hiện. Người phê phán gay gắt cách viết càn, ba hoa. “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”.

Một nét đặc sắc trong nhân cách làm báo Hồ Chí Minh là biết kết hợp được tính thời sự với tính chất lâu bền ở các bài báo. Những bài báo mà Người đã viết vào những năm 20 của thế kỷ trước về cần bổ sung dân tộc học Phương Đông vào chủ nghĩa Mác đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Những bài báo Người viết về chính sách kinh tế (1954) như công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, lưu thông trong ngoài có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống hôm nay.

Người cũng rất quan tâm việc báo chí cổ vũ nhân tố mới. Tin vào con người, tin vào cái thiện mạnh hơn cái ác, Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến việc cổ vũ các tấm gương tốt để lấn át cái xấu. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc Phương Đông đều giàu tình cảm, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nhưng nhà báo phải trung thực, “Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay, để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu cổ vũ cái tốt cần phải đi đôi với việc phê phán các hành vi tiêu cực, nhưng mặt cổ và phải là mặt chủ yếu nhất.

Một điều hết sức quan trọng trong nhân cách làm báo Hồ Chí Minh là phải viết cho hay, hấp dẫn người đọc. Văn phong Hồ Chí Minh dù là viết bằng tiếng Pháp, tiếng Trung, hay tiếng Việt đều trong sáng và hấp dẫn. Người nói: “Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc”.

                                                                          (*): Luật gia – Nhà báo, BCVTW