Cõng bà đi mở đất: Ắp đầy hơi thở thời cuộc
Cõng bà đi mở đất là cuốn sách thứ 23 của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn. Với gần 300 trang sách, tập hợp 50 bút ký, ghi chép, phê bình – tiểu luận (tác giả viết trong năm 2023) càng thấy Cõng bà đi mở đất ắp đầy hơi thở thời cuộc, sinh động và lôi cuốn, khiến cảm xúc tôi dâng trào về tác giả và tác phẩm.
Cõng bà đi mở đất (NXB Văn học, 9/2023) tập hợp 50 bút ký, ghi chép, phê bình- tiểu luận.
Cõng bà đi mở đất là tập ký của Phạm Quốc Toàn đề cập đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà tác giả “mục sở thị” và chiêm nghiệm, chắt lọc. Gần chục bút ký trong sách tác giả viết chuyện của Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng đất vùng biển anh gắn bó 35 năm có lẻ.
Đó là Chủ nhiệm báo Lê Quang Thành bách niên giai lão; Tướng Nguyễn Minh Ninh năng động sáng tạo; Côn Đảo, trường học lớn; giáo Lạc cõng bà đi mở đất; Anh hùng cá biển Lê Văn Kháng, tươi mới chất Nam Bộ… Có thể, ta đã bắt gặp ở đâu đó, nhưng khi các tác phẩm ấy được tập hợp thành một mối, khiến thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm ùa ra mạnh mẽ chạm vào trái tim nhân hậu và nhân văn của người đọc.
Bấy lâu nay, quan niệm sáng tác văn chương và sáng tạo báo chí có khác nhau. Nếu văn chương thiên về tư duy hình tượng thì báo chí phải giữ tính nguyên tắc là tư duy logic. Cũng quan niệm bấy lâu nay, chức năng của văn hóa nghệ thuật (trong đó có văn chương) là hướng tới Chân-Thiện-Mỹ còn báo chí, bằng việc thật, người thật định hướng người đọc đến nghĩ và làm việc tốt, việc tử tế – nhân rộng nó.
Đọc Cõng bà đi mở đất của Phạm Quốc Toàn, tôi cảm nhận, không chỉ có văn học nghệ thuật hướng tới mục tiêu định hướng con người tới Chân-Thiện-Mỹ mà cả những tác phẩm báo chí giàu tính thuyết phục, hấp dẫn cũng định hướng rất hoàn hảo cho Chân-Thiện-Mỹ.
Cõng bà đi mở đất xác tín rõ điều đó. Các nhân vật trong tác phẩm của Phạm Quốc Toàn là những người thật, có danh tính và địa chỉ rõ ràng. Đó là: nhà chính trị – nhà thơ Xuân Thủy (Suối reo để lòng ta reo); nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (Cây chính luận làm thơ); nhà giáo Trần Bá Lạn (Đóa hoa ngát hương); doanh nhân giáo Lạc (Cõng bà đi mở đất).
Tôi đã có dịp gặp CCB Nguyễn Đức Lạc tại “đại bản doanh” mang tên Hải Phương của ông. Hơn thế nữa, đã từng mục sở thị sự vượt lên chính mình của người lính Bộ đội Cụ Hồ này trong kinh doanh cũng như các việc làm hiếu nghĩa – tri ân, nghĩa tình với đồng đội…
Văn chương có hai dòng chảy. Thứ nhất, văn chương hư cấu. Thứ hai, văn chương phi hư cấu. Cõng bà đi mở đất của Phạm Quốc Toàn thuộc dòng văn chương phi hư cấu. Qua ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, những suy nghĩ và việc làm của họ như những nhân vật bước ra từ tác phẩm văn chương, chạm tới trái tim – cuốn hút người đọc. Sự nhân hậu, tài hoa của Phạm Quốc Toàn là ở đó.
Cuộc sống đa dạng và phức tạp như một dòng chảy. Những điều tốt đẹp với những con người cụ thể và việc làm cụ thể vẫn là dòng chủ lưu trong đời sống tinh thần của xã hội. Có phải không đó là thông điệp của tác giả Cõng bà đi mở đất?
Tôi đã đọc tác phẩm của Phạm Quốc Toàn cách đây gần nửa thế kỷ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cuối diễn ra quyết liệt và khi chiến tranh vừa kết thúc. Những bài bình luận thời cuộc sắc bén trên báo Quân đội nhân dân (QĐND) của anh đã quen thuộc với bạn đọc từ những nhận định nhanh nhạy, sắc sảo, thuyết phục.
Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, do hoàn cảnh riêng, Phạm Quốc Toàn đã chuyển ngành làm Tổng Biên tập Báo Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (sau đó là Báo Bà Rịa – Vũng Tàu). Anh vừa tác giả của nhiều bài viết sắc sảo, vừa là một nhà quản lý báo chí nhiệt huyết, năng động và luôn thân thiện, gần gũi với mọi người.
Sau khi nghỉ hưu, anh tập trung viết sách. Chỉ trong vòng hơn chục năm gần đây, nhà văn, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã trình làng 23 cuốn sách, cuốn nào ra cuốn đó – dày dặn, sinh động từ các nhà xuất bản uy tín hàng đầu. Từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, tiểu phẩm, tiểu luận, bút ký, tản văn, chuyện trào phúng… tác phẩm nào cũng in đậm dấu ấn Phạm Quốc Toàn: sắc sảo nhìn đời với con mắt nhân hậu, nhân văn; luôn hướng người đọc tới Chân-Thiện-Mỹ.
Tuổi cao – anh đang tịnh tiến đến con số 80 mùa xuân cuộc đời, am tường chuyện đời, chuyện nghề, tích lũy vốn sống càng nhiều, chịu đi, chịu đọc và chịu viết – một ngòi bút năng nổ, sáng tạo. Điều ấy, chỉ có thể ví đó là sức bền ngọn lửa trong con người anh.
Nhà báo, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN -(Nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giai Phóng)