Góc nhìn: TRỤC TIM – NÃO

Chúng ta thường nghĩ não là nơi duy nhất đưa ra quyết định, còn tim thì chỉ đơn giản là cái máy bơm máu trung thành. Nhưng khoa học hiện đại đang dần hé lộ một điều thú vị hơn: tim và não là hai cơ quan liên kết mật thiết với nhau theo một chiều hướng vừa sinh lý, vừa cảm xúc.
Và mối liên kết ấy có tên gọi trục tim–não (heart–brain axis).

Trò chuyện hai chiều: Tim nói, não nghe.
Tim và não không chỉ có đường dây liên lạc một chiều từ não điều khiển tim như chúng ta từng học.
Trên thực tế, có đến 80% dây thần kinh trong dây thần kinh phế vị (vagus nerve) mang tín hiệu từ tim đến não, chứ không phải ngược lại.
Nghĩa là trái tim có khả năng “nói chuyện” với não, và ảnh hưởng đến cách ta cảm nhận, suy nghĩ và hành xử.

Trái tim cũng có trí nhớ?
Tim có một hệ thống thần kinh riêng, gọi là “bộ não nhỏ của tim” (heart’s little brain) với khoảng 40.000 tế bào thần kinh. Những tế bào này không chỉ ghi nhận tín hiệu mà còn xử lý thông tin, tự ra quyết định và tạo ra phản hồi mà không cần “xin phép” não bộ trước.

Ví dụ, khi ta căng thẳng, nhịp tim thay đổi lập tức trước cả khi ta nhận ra mình đang lo lắng. Ngược lại, khi ta cố gắng thở chậm, thư giãn, trái tim sẽ gửi tín hiệu “an toàn” lên não, giúp não giảm bớt mức độ lo âu, và ta cảm thấy bình tĩnh hơn.

Nhịp tim biến thiên – chỉ số của sự cân bằng.
Có một chỉ số gọi là HRV – độ linh hoạt giữa các nhịp tim, cho biết ta điều hoà cảm xúc tốt đến đâu.
HRV cao là dấu hiệu của một người biết điều hòa cảm xúc tốt, có khả năng phục hồi sau stress, và hệ miễn dịch ổn định.
HRV thấp, có thể là dấu hiệu ta đang mệt mỏi, căng thẳng mãn tính hoặc cảm xúc bị dồn nén quá lâu.

VÀ ĐÂY LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT, CHÚNG TA MUỐN TÁC ĐỘNG ĐẾN TRỤC QUAN TRỌNG NÀY NHƯ THẾ NÀO?
Có nhiều khi chúng ta không muốn trái tim mình đau đớn vì một câu chuyện cũ.
Chúng ta không muốn tăng xông vì một điều không đáng.
Vậy thì cách nào để tác động đến cả hai cơ quan này?

Bộ não của chúng ta đôi khi không thông minh lắm. Khi chúng ta bình tĩnh, nhịp tim ta chậm rãi. Và khi nhịp tim ta chậm lại – dù ta đang không bình tĩnh, bộ não chúng ta bị đánh lừa là nguy hiểm đã qua, và nó sẽ dịu lại.
Khi ta thở chậm, sâu, đều, một cách cố ý, tim sẽ hoà nhịp cùng với hơi thở để trở nên chậm và đều.

Ta đã thành công trong việc điều khiển bộ não của mình rồi đấy.
Hoà cùng nhịp tim chậm, bộ não cũng bình tĩnh lại và trở nên sáng suốt vậy.

ST