ANH LỘC
Thật bất ngờ, cách đây hơn 5 năm, tôi ra HN dự lễ kết nạp hội viên Hội Nhà văn VN, anh Lộc đứng cạnh tôi cùng nhận quyết định. Quyết định do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ký. Điều làm tôi bất ngờ là anh Lộc- người đàn anh cùng xóm, lớn hơn tôi vài tuổi lại mang tên Nguyễn Hoàng Hà.
Tuổi thơ tôi gắn liền với gia đình anh Lộc. Bố tôi và bố anh ấy là đôi bạn tri kỷ. Thuở nhỏ, mỗi lần cụ Củng – bố anh ấy sang nhà tôi chơi, bất cứ đang làm gì, bố tôi đều trân trọng tiếp đón. Và thành thông lệ, như miếng trầu mời khách, bố tôi lấy chai ( nậm) rượu và 2 cái ly như vỏ con sò ra tiếp. Biết ý chồng, mẹ tôi rang mấy hạt lạc. Lạc quê tôi màu tím son, qua lửa thơm, ăn có vị béo ngậy khó nơi nào sánh. Tôi thập thò cho đến khi bố tôi cho vài hạt mới chịu ngồi vào bàn học hay nhặt cỏ giúp mẹ. Lại nữa tôi còn là học trò lớp vỡ lòng của anh trai anh Lộc. Tôi nhớ mãi giọng nghiêm nghị và cái thước bằng gỗ lim của thầy giáo Phương- con trai cả của cụ Củng. Trò nào không thuộc bài và để sách vở bẩn đều bị thầy Phương kỷ luật. Úp mặt vào tường và chịu thước lim đét đít. Duyên nữa, tôi học chung với các em của anh Lộc . Và suýt nữa tôi đã trở thành “ tế tử” của gia đình anh ấy.
Trở lại câu chuyện vào hội nhà văn Việt Nam của chúng tôi. Tôi làm báo hơn 40 năm ở các cơ quan báo chí lớn nhất nhì đất nước. Đeo đuổi nghề văn chương cũng khá lâu. Cách đây phải trên dưới 40 năm, các nhà thơ : Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Chim Trắng… đã giới thiệu tôi vào Hội nhà văn VN. Nhưng mọi việc dường như chưa có duyên. Phải đến năm đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI mới có tên trong số trên 1000 hội viên của tổ chức những người viết văn “ danh giá “ của đất nước trên 100 triệu dân này. Tôi hoàn toàn bất ngờ cùng đợt kết nạp với mình có anh Lộc.
Những năm giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi chúng tôi học cấp 3 thì anh Lộc nhập ngũ. Tôi chỉ biết anh vào lực lượng Công an nhân dân ( nay là bộ đội biên phòng). Anh chưa học cấp 3 và ở quê anh chưa từng biết đến với góc nhìn là người có khiếu văn chương. Tôi nhớ khoảng năm cuối thế kỷ XX, khi phụ trách văn phòng đại diện báo QĐND tại TP HCM, tôi có nhận một bài báo ký tên là Nguyễn Hoàng Hà kèm theo bức thư viết tay. Tác giả chính là anh Lộc. Tôi không ngạc nhiên bởi cuộc sống người lính rất phong phú, đa dạng, đáng yêu mà bất cứ người lính nào cũng có thể viết về mình.
Điều tôi bất ngờ là anh Lộc “ vươn mình “ trở thành nhà văn lúc nào? Tôi chưa hề đọc tác phẩm văn chương của anh ngoài bài báo như tôi đã kể ở trên.
Về quê, tôi đem chuyện anh Lộc được kết nạp vào Hội Nhà văn VN kể với mọi người. Ai cũng ngạc nhiên. Chỉ có một người, bạn học với tôi thời cấp 2, người hàng xóm cận nhà anh Lộc không ngạc nhiên. Bạn ấy nói : “ Cậu chưa đọc đấy thôi, anh Lộc có nhiều tác phẩm đồ xộ lắm”.
HAI
Mới đây, nghỉ hưu, về quê tôi mới có thời gian sắp xếp lại “ gia tài sách vở “ của mình. Lục trong kho sách báo, tôi nhận ra các tác phẩm của Nguyễn Hồng Hà. Có đến 5 tập sách, mỗi cuốn đầy đặn từ 400 đến 500 trang in. Các cuốn sách không giới thiệu dài dòng tiểu sử, thành tích của tác giả như ta thường thấy. Dưới tấm hình chân dung giản dị , anh Lộc chỉ ghi: Tác giả Nguyễn Vĩnh Lộc. Bút danh : Nguyễn Hoàng Hà. Cuốn sách nào anh Lộc cũng đề : Thân tặng Trần Thế Tuyển. Anh Lộc ( ký tên ).
Tôi dành thời gian đọc hết các cuốn sách bao gồm tiểu thuyết và tập truyện ngắn của anh . Đó là : Đời lắm bất ngờ ( tiểu thuyết 2 tập ); Con trâu có cá tính ( tiểu thuyết nhiều tập); Có một người như thế. Có một thời như thế ( tập truyện ngắn ); Hạnh phúc trong tay em … của các nhà xuất bản danh tiếng : Hội Nhà văn, Văn học, Thanh niên …
Sẽ có dịp bàn sâu về những tác phẩm này. Cảm nhận ban đầu của tôi: Anh Lộc ( Nguyễn Hoàng Hà ) là nhà văn – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đích thực. Tuy không phải là người cầm viết chuyên nghiệp, nhưng bằng vốn sống và sự từng trải, với tư cách là một người lính, thông điệp trong tác phẩm của Nguyễn Hồng Hà mạch lạc, rõ ràng. Văn phong của anh gần gụi, mang đậm hơi thở đương đại. Anh ưa dùng lời thoại của nhân vật thay lời tác giả. Kẹp trong các cuốn sách đó, tôi đọc được bức thư của anh Lộc. Nội dung bức thư: “ Thân tặng Trần Thế Tuyển . Anh Lộc Ghi chú : Nhờ Oanh ( bạn học của tôi- TG) chuyển sang nhà bà Thắng ( mẹ tôi- TG) cho Tuyển. Lộc không biết địa chỉ “.
Văn là người. Tôi nhận ra anh Lộc ( nhà văn Nguyễn Hoàng Hà ) – một con người có cá tính đến gây tranh cãi, đúng như tên một trong tác phẩm của anh : Con trâu có cá tính.
Khuya. Đi dọc con sông làng huyền thoại mà tôi đã có dịp nhiều lần viết- những ngôi nhà dọc bờ sông, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Tôi tự hào thầm nói với dòng sông : từ nỗi cơ cực của bậc tiền bối và sự hy sinh của biết bao người con ưu tú cho đất nước dọc bờ sông này đã cho chúng tôi trong đó có hai hội viên nhà văn VN là anh Lộc và tôi trở thành “ thư ký thời đại “ ghi lại điều sâu thẳm thời đại mình đã sống. Tôi nhớ lại “ tiệc rượu “ giản dị của đôi bạn tri âm tri kỷ- bố tôi và bố anh Lộc thuở xa xưa. Mùi thơm ngậy của lạc ( đậu phọng ) màu tía đỏ – đặc sản quê hương tôi khó nơi nào có thể sánh được !
Hải Hậu, hè 2025.
TTT