CHÙM TẢN VĂN CỦA TRẦN THẾ TUYỂN
CANH CUA ĐỒNG
Về quê, tôi có thú vui, sáng sớm đạp xe ra cánh đồng. Xưa, đường ra đồng gập ghềnh, đầy cỏ dại. Nay, nông thôn mới, bê tông khắp ngõ ngách. Con mương nhỏ đầy cá tôm xưa, nay cũng bê tông “ vuông thành sắc cạnh”. Mấy em tôi bảo, bác lên đường huyện đạp xe sẽ gặp nhiều bạn của bác. Các vị ấy hưu cả rồi, sáng nào cũng đạp xe. Xong cuốc, hẹn hò cà phê, điểm tâm…
Tôi không thích thế. Ồn ào, xô bồ quá rồi. Về quê tôi thích sự yên tĩnh để nghe hơi thở của làng quê. Hương nếp mới, tiếng cá quẫy và cả tiếng ve râm ran trong vòm phượng vĩ đang khoe sắc đỏ.
Đi trăm quê chẳng nơi đâu đẹp bằng quê mình. Đó không phải tôi nói mà bạn bè fb nhận xét thế khi xem bộ ảnh tôi đặt tên “ Tranh không lời “ đăng chiều qua. Còn nữa, các bạn bình luận, hạnh phúc nhất TTT, đã bước qua tuổi xưa nay hiếm vẫn còn mẹ U100 và chị gái U80 để phụng dưỡng.
Lâu lắm, có lẽ hơn nửa thế kỷ, tôi mới được chị gái gội đầu. Nồi nước lá thơm hái trong vườn nhà: bưởi, hương nhu, bồ kết… quả thực có sức gợi nhớ phi thường, đánh thức tôi về cái thời để chỏm, chăn trâu, cắt cỏ…
Thấy chị gội đầu cho em, mẹ không nói chỉ cười. Nhìn ánh mắt biết mẹ hạnh phúc lắm.
Tôi còn một bà chị nữa, cũng U80. Người nhỏ thó như con cá lẹp khô mà chị không ngơi tay, đặc biệt khi chúng tôi – những đứa em của chị đi xa về. Biết tôi thích canh cua đồng, chị đi bộ xuống chợ Hàng chọn những con cua to, mẩy nhất. Vè nhà chị ra vườn hái mùng tơi, rau đay, không quên quả mướp hương tô điểm cho bát canh cua đúng vị dân dã.
Là chị dâu ( con người bác ruột) nhưng chị quý chúng tôi như ruột thịt. Hơn 20 năm nay, kể từ ngày Cha về với tổ tiên, chị thay chúng tôi chăm sóc mẹ. Mỗi tối xong xuôi việc nhà, chị vào giường tâm sự với mẹ đến khuya. Khi trái gió trở trời, chị bóp chân tay cho mẹ. Câu chuyện giữa hai thím cháu tận khuya không ngớt.
Biết chúng tôi nhiều bạn bè, thường xuyên giao lưu, tiếp khách, đôi khi quá chén, chị chủ động làm món giải độc. Khi say mềm, chúng tôi có bát bột sắn dây nấu với rau đắng ( sau hè ). Chị khuyên, các em tiếp khách nhiều nhớ ăn cho no và về nhớ ăn bát bột giải độc này.
Biết mình đa đoan công việc xã hội, không nhiều thời gian cùng các em chăm sóc mẹ; lần nào về, tôi cũng “ lên kế hoạch “ mua quà sáng cho mẹ; cho chị, khi bún chả Obama gốc cây đa; khi bánh cuốn hoặc bánh bao, bánh mỳ ông Hợi… Mẹ xua tay, đừng vẽ, tốn tiền. Mẹ không ăn đâu…
Đã quá tuổi 94, mẹ vẫn thông thái. Nói vụng, Cụ chỉ được cái nhớ lâu, đặc biệt kỷ niệm thuở hàn vi và nghĩa cử của những người đã cưu mang, giúp đỡ mình.
Trưa nay, mẹ dặn chị, em nó thích canh cua, cà pháo. Nhớ nấu canh cho em. Nó thích canh cua nhiều rau và có mướp hương ./.
HỒN QUÊ
MỘT
Sau kháng chiến chống Pháp, tôi mới vài tuổi. Dẫu vậy, tôi vẫn nhớ như in cảnh làng quê- những mái nhà lợp rạ, vách đất
nằm đôi bờ sông nhỏ, sau lưng là cánh đồng. Ngày ấy chưa có điện, đường đỗi còn nguyên sơ cỏ mọc um tùm, chỉ đủ chỗ cho đôi chân người qua lại. Thời ấy, tôi có cảm giác đêm nhiều hơn ngày. Mùa đông, chưa đến 5 giờ, khi mặt trời lặn sau luỹ tre, trời đã sầm sập tối. Khi thiếu vắng trăng, trời tối đen như mực. Tôi có cảm giác lấy kéo cắt màn đêm ra từng miếng như người ta cắt mâm rau câu, thạch lam. Lúc ấy đom đóm – một thứ côn trùng phát sáng to khủng khiếp. Những đêm tối trời có thể bắt vài con đom đóm to cho vào lọ thuỷ tinh soi đường đi lại. Điều nữa, ngày ấy ma ở đâu mà nhiều đến thế. Ma trong câu chuyện cổ tích của bà khi trái gió trở trời. Có
người đàn bà, xoã tóc, trang phục trắng từ cây đa đầu làng bước xuống. Ma trong câu chuyện của bác tôi về những oan hồn chết đói năm Ất Dậu (1945 ) đêm đêm vẫn lũ lượt kéo nhau gõ cửa từng nhà xin ăn. Ma trong câu chuyện của bố tôi về sự linh thiêng của cây đa đỗi đền, trước cửa ngôi đền thiêng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo…
Ma nhiều đến nỗi đeo bám
tôi suốt cả cuộc đời. Ngay cả
khi tôi đã trở thành lính trận, trải qua mấy cuộc chiến tranh, nơi hòn tên mũi đạn, chôn cất bao nhiêu đồng đội, ngủ chung với bao nhiêu thi thể liệt sĩ, không sợ ma mà mỗi lần về phép đêm đêm đi qua gốc đa, đỗi đền… vẫn thấy dợn tóc gáy.
HAI
Do hình thái phát triển của kinh tế xã hội nên nông thôn các vùng miền đều có đặc điểm giống nhau: cư dân gắn “ bán anh em xa mua láng giềng gần”. Cái gì cũng có tính hai mặt: sự gắn bó ấy là sự đoàn kết “ sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau”; mặt khác là “ chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”. Và, mặt trái của nó là sinh ra “ trâu buộc ghét trâu ăn”, như chuyện “ mổ trộm gà nhà mình “ mà sinh thời bố tôi thường nói. Khác với cư dân đô thị “ đèn nhà ai rạng nhà đó “, ở nông thôn cái sự “ lắm điều “ bắt nguồn từ phương thức sản xuất. Tiếng thơm lan ít mà tiếng thúi toả xa. Mọi cử chỉ hành vi của cộng đồng đều không qua mặt được thiên hạ. Nó trở thành câu chuyện đàm tiếu nơi ngõ chợ, cánh đồng và cả trong giấc ngủ.
Có lẽ chưa ở đâu có sự chia sẻ, như ở thôn quê. Và, cũng có lẽ chưa ở đâu “lắm điều “ như ở thôn quê. Yêu nhau bò hòn cũng ngọt. Ghét nhau xúc đất đổ đi.
BA
Sau hơn nửa thế kỷ về quê. Nông thôn mới như luồng gió lành thay đổi làng quê. So sánh khập khiễng, làng quê bây giờ không thua kém gì phố thị, thậm chí còn hơn hẳn về môi trường, cảnh quan.
Ngày xưa ít có gia đình nào có cổng và tường rào. Nay, nhiều biệt thự xuất hiện “kín cổng cao tường”, có hệ thống camera theo dõi ngày đêm. Quanh năm suốt tháng dường như không thấy ánh trăng. Điện lưới quốc gia phủ kín hai pha, ba pha đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Dẫu vậy mỗi lần về quê tôi cứ canh cánh. Rằng cứ hiện đại hoá công nghiệp hoá, cứ
“ nông thôn mới “ nhưng làm sao giữ được hồn quê. Ấy là sự đùm bọc sẻ chia của tình người và môi trường trong lành vốn có của làng quê với cây đa, bến nước, con đò…
Khó có thể cùng một lúc đạt các mục tiêu ấy. Nhưng con người là chủ thể cải tạo thiên nhiên và thế giới. Chúng ta có thể làm được điều gì đó để giữ lại HỒN QUÊ !
Hải Hậu, 13-6-2024
TTT