TRIẾT LÝ THẰNG BỜM 

Bài đồng dao khuyết danh “THẰNG BỜM” hầu như ai cũng biết: “Thằng Bờm có cái quạt mo Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu Phú ông xin đổi một xâu cá mè Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè Phú ông xin đổi một bè gỗ lim Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim Phú ông xin đổi con chim đồi mồi Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười”.
Bờm dại hay khôn? Từ xưa tới nay ai cũng nghĩ là Bờm dại. Thế nên mới dùng từ “Bờm” để chỉ sự khờ khạo, dại dột, ví dụ: Sao mình bờm thế nhỉ? Nhưng suy nghĩ kỹ và đúc kết sự đời mình lại thấy Bờm khôn.
Lý lẽ như sau:
Thứ nhất, trừ cục xôi, còn lại các thứ khác mà phú ông xin đổi đều giá trị gấp mười, gấp trăm, gấp ngàn lần cái quạt mo của Bờm. Vậy thì cuộc đổi chác này không cân bằng về giá trị. Có thể phú ông lừa chăng? Rõ ràng là không thể tin được!
Thứ hai, cho dù có thật thì khi nhận những thứ đó, Bờm không đủ năng lực để quản lý và sử dụng. Phải chăn trâu bò thì vất vả, nếu thuê mướn người thì phải làm hợp đồng giao kèo, Bờm không đủ sức làm, rắc rối quá! Xâu cá mè “muốn ăn thì lại phải lăn vào bếp”, chắc là Bờm không làm được! Bè gỗ lim sử dụng làm sao? Biết đâu lại là của lâm tặc, vi phạm pháp luật? Chim đồi mồi biết nuôi dưỡng sao, nếu không nó chết thì cũng như không! Chỉ có cục xôi là Bờm sử dụng được ngay.
Thứ ba, nếu lấy những thứ quý đó thì sẽ bị người khác ghen tị, mưu mô tranh cướp, lại mất công giữ, và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, liệu có an toàn không?
Thứ tư, có thể lúc ấy Bờm đang đói, cần thứ gì đó để cho vào cái dạ dày đang kêu ọc ọc ngay. Những thứ kia không ăn được, muốn ăn thì phải chuyển hóa thành tiền qua một chuỗi công đoạn phức tạp. Chỉ có cục xôi là đáp ứng tiêu chí cứu đói được ngay. Ăn để sống. Sự sống là quý nhất trên đời, không có thứ gì sánh bằng.
Thứ năm, bao trùm lên tất cả là Bờm không hề tham lam vì “tham thì thâm”. Trong trường hợp này nếu chọn những thứ đắt giá kia thì có thể Bờm dính phải những rắc rối như đã nói ở trên. Vậy thì, lựa chọn của Bờm là hợp lý nhất, là thông minh nhất, Bờm rất khôn ngoan chứ đâu có dại!
Tóm lại, cuộc sống nhiều khi sự đơn giản, sự thật thà lại tốt hơn là phức tạp, tính toán, lọc lừa. Thêm nữa, sự trao đổi phải cân bằng về giá trị chứ nhận phần hơn có khi lại chuốc thêm rắc rối; chịu thiệt một chút thì lại được người yêu thương.
Triết lý của Bờm là:
1- Nếu được chọn thì chọn cái đơn giản;
2- Trong đổi chác phải cân bằng về giá trị và hài hòa về lợi ích giữa hai bên;
3- Không tham những thứ không phải của mình vì “Tham thì thâm”. Đó là những nguyên lý rất cơ bản của cuộc sống mà đôi lúc ta quên đi. Bài này nhìn qua thì tưởng đơn giản nhưng nghĩ kỹ thì mới thấy các cụ xưa thật thâm thuý, sâu sắc! Không biết tác giả bài đồng dao này có ngụ ý đó không?
Nguồn: Internet.
Hanoi, 11-4-2024 Nguyễn Tiến Lợi/ĐS GDNN