Xác định vị trí việc làm: Yêu cầu đã trở nên cấp thiết

Trước đòi hỏi của thực tiễn, nhất là tình trạng “sợ trách nhiệm” đã được dư luận xã hội tranh luận “nảy lửa” liên tục trong thời gian qua, đòi hỏi việc xác định vị trí việc làm cần được đẩy nhanh hơn nữa. Đây là một vấn đề khó, nhạy cảm nhưng đã trở nên cấp thiết nên không thể chậm chễ hơn.

Ảnh minh họa

Xác định vị trí việc làm là nội dung quan trọng để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức. Công việc này được coi là khâu cơ bản, khởi đầu để từ đó có cơ sở sắp xếp bộ máy. Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Qua xác định vị trí việc làm, sẽ giúp cơ quan, đơn vị phát hiện những chồng chéo về nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả sắp xếp lại đội ngũ công chức.

Như vậy, qua xác định vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị sẽ có thể tuyển dụng, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm, loại bỏ những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc…

Xác định vị trí việc làm là chủ trương lớn đã có từ lâu, có vai trò quan trọng như nêu trên nhưng từ trước tới nay, việc xác định rõ vị trí việc làm của cán bộ công chức, viên chức được coi là còn khá chậm chễ, lúng túng, trì trệ, chưa thật sự hiệu quả cả về số lượng và chuyên môn.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ năm 2012 đến năm 2019 đã xác định vị trí việc làm, tuy nhiên việc này chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ, căn cơ. Sau khi có Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 62 xác định vị trí việc làm đối với công chức và Nghị định 106 xác định vị trí việc làm đối với viên chức; đã xác định được một khung chung. Cụ thể, vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, trong đơn vị sự nghiệp là có 615 vị trí, ở cấp cơ sở (cấp xã) có 17 vị trí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trong quá trình xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực chưa thật sự kịp thời, chưa đảm bảo được yêu cầu đặt ra…

Cũng do không xác định rõ vị trí việc làm nên nhiều trường hợp một việc nhưng nhiều cơ quan làm, nhiều người làm, dẫn đến chồng chéo, giẫm chân lên nhau. Vì thế cũng dẫn đến tình trạng là khi đạt kết quả tốt thì ai cũng nhận thành tích về mình và khi xảy ra sai phạm thì đổ lỗi cho nhau.

Đặc biệt do không xác định rõ người, rõ việc nên việc vận hành bộ máy kém hiệu quả, biên chế phình to. Trong trường hợp phải xử lý kỷ luật cán bộ, nhân viên, tinh giản biên chế thì cũng rất khó khăn.

Xác định rõ điều này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Xây dựng và Quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trước khi diễn ra cuộc họp, Phó Thủ tướng đã nhận được 23 ý kiến từ các địa phương, thể hiện sự mong đợi của các địa phương đối với nhiệm vụ này.

Mặt khác, báo cáo của Bộ Nội vụ – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Xây dựng và Quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra những con số rất đáng suy ngẫm. Cụ thể, đối với Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành, đến nay mới có 6/20 bộ, ngành ban hành Thông tư; 8/20 bộ, ngành đã hoàn thiện chuẩn bị ban hành Thông tư; 4/20 bộ, ngành đang hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ; 2/20 bộ, ngành chuẩn bị có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Đối với Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có 5/15 bộ, ngành ban hành thông tư; 6/15 bộ, ngành đã hoàn thiện chuẩn bị ban hành Thông tư; 3/15 bộ, ngành đang hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Nội vụ và 1/15 bộ, ngành chuẩn bị có văn bản xin ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Những “con số biết nói” này thể hiện rất rõ vẫn còn khá nhiều các bộ, ngành chưa quan tâm sát sao đến công việc này, trong khi đây lại là mong mỏi của nhiều cơ quan, đơn vị để có cơ sở triển khai trong thực tiễn nhằm xác định rõ vị trí việc làm.

Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trước ngày 10/8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành 2 thông tư làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đây là nhiệm vụ rất khó và nhạy cảm, nhất là việc xác định vị trí việc làm, nhưng không thể không làm. Bởi đây chính là cơ sơ quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề để cải cách chế độ tiền lương và thúc đẩy cải cách hành chính.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần có các kênh để tiếp nhận các ý kiến của các bộ, ngành, đồng thời giao Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và ban hành 2 Thông tư nêu trên, bảo đảm đúng thời hạn yêu cầu. Và khi ban hành 2 thông tư này, các đơn vị cần có các cuộc họp trực tuyến với các địa phương để hướng dẫn tổ chức thực hiện và tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi của các địa phương để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời…

Phó Thủ tướng cũng khẳng định sẽ cùng đồng hành với các bộ, ngành vì nếu chậm ban hành sẽ kéo chậm sự phát triển, gây tâm tư cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở.

Chúng ta hi vọng rằng, với sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đến cuối năm 2023 có thể cơ bản hoàn thành việc ban hành các Đề án Vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương như yêu cầu đề ra. Đây sẽ là cơ sở cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chế độ tiền lương theo vị trí việc làm.

Điều quan trọng hơn là việc xác định rõ vị trí việc làm sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi khi đó công việc được xác định rõ sẽ mang lại sự minh bạch, rõ ràng, tránh đi những đòi hỏi nặng về bằng cấp không cần thiết, không giúp ích gì trong thực tiễn công việc. Đi kèm với đó là kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp… để tạo ra đội ngũ cán bộ “tinh” nhưng “gọn”.

Và chắc chắn khi đã rõ từng vị trí công việc sẽ buộc mỗi người phải “động não”, “động tay động chân” chứ không rơi vào cảnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai nên “không muốn làm”, “không dám làm”… ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước.

Theo Nam Khánh (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)